Sự nỗi lực của Ikal trong Chiến binh cầu vồng
Cái nghèo, người bạn chí cốt không rời. Chúng tôi đã là bạn chí thân từ lúc tôi còn nằm trong bụng mẹ cơ. Tôi là một em bé nghèo, một đứa trẻ nghèo, một thiếu niên nghèo và giờ là một người nghèo. Tôi quen với cái nghèo như thể làm quen với việc tắm gội hằng ngày vậy. Sống một thân một mình, không ai đoái hoài, làm việc mười tiếng đồng hồ mỗi ngày, và nằm ở độ tuổi 20-30, đó là đặc điểm theo nhân khẩu học của tôi. Nhưng đặc điểm tâm thần học của tôi là: một người cô độc đang khát khao tột độ được ai đó để mắt đến.
Công việc phân loại thư chẳng có gì vui. Công việc này không được học sinh trường PN biểu diễn trong tiết mục nghề nghiệp tại buổi lễ hóa trang. Mỗi ngày, tôi ngập đầu trong hàng chục cái bao đựng thư từ từ những đất nước mà ngay cả cáu tên tôi cũng chưa hề biết đến. Mồ hôi bê bết với bụi bặm. Tương lai dành cho tôi là về hưu trong nghèo túng, thường xuyên đến những trạm xá tình thương nhờ vào tiền bảo hiểm của chính phủ, và rồi chết trong tủi sầu không một ai bên cạnh. Sau khi xong việc, tôi mệt quá nên chẳng thể giao du gì với ai, và có lẽ bởi vì quá mệt mỏi và chán nản với những giấc mơ không thành, tôi bắt đầu lâm vào một chứng bệnh điển hình của những người chịu áp lực: mất ngủ. Mỗi đêm, nửa tỉnh nửa mê, tôi lơ mơ nghe những câu chuyện wayang trên radio. Hết câu chuyện rồi mà tôi vẫn không ngủ được, và tôi bắt đầu nằm nghe đài cho đến sáng. Bệnh thần kinh rõ ràng đang dần dần nảy mầm trong người tôi. Sau một đêm khổ sở như thế, sáng sớm – rất sớm, trong khi người Belitong vẫn còn rúc trong chăn ấm đệm êm thì tôi phải lục tục dậy sửa soạn đi làm. Tôi bò ra khỏi giường trong tiết trời giá lạnh và gò người trên con đường dọc theo sông Ciliwing vẫn còn đang phủ mờ sương sớm, xe đến bưu điện để phân loại hàng ngàn lá thư. Khi người Belitong thức dậy, vươn vai ngáp dài rồi rúc lại vào chăn như sâu bướm hay thảnh thơi vừa đọc báo vừa nhâm nhi cốc trà nóng kèm bánh mì nướng, thì tôi cũng dùng bữa sáng của mình – những lời kêu ca từ quý bà người Hà Lan nọ. Cuộc sống của tôi bây giờ là thế đấy. Tương lai của tôi không sáng sủa và tôi không có bất cứ ý niệm gì về những điều mình sẽ đạt được trong cuộc sống này. Mọi thứ đều thiếu chắc chắn. Chỉ có một điều không trật vào đâu được là tôi là một kẻ thất bại. Tôi rủa xả bản thân mỗi lần phải đứng trên sân bưu điệm vào ngày 17 hằng tháng trong buổi lễ chào cờ của Liên đoàn Nhân công Chính phủ Indonesia.
Nếu vẫn còn có gì gọi là tốt đẹp trong cuộc đời tôi thì đó là Eryn Resvaldya Novella. Con bé lanh lợi, ngoan đạo, xinh đẹp và nhận hậu. Hai mươi mốt tuổi. Tôi gọi con bé là người lĩnh thưởng bởi vì nó vừa được nhận phần thưởng dành cho sinh viên xuất sắc nhất tại một trường đại học danh giá nhất Indonesia, nơi nó học ngành tâm lý học. Cha của Eryn là anh tôi, mới bị PN sa thải nên tôi gánh trách nhiệm chu cấp chi phí học hành của đứa cháu gái. Cứ trông thấy Eryn và niềm say mê học tập của nó, thái độ tích cực của nó và sự thông minhánh lên trông đôi mắt nó là những mệt mỏi sau ngày làm việc của tôi chợt tan biến đâu mất. Tôi sẵn sàng làm thêm những công việc linh tinh khác như dịch tiếng Anh, đánh máy, hay phô tô ngoài giờ làm. Tôi hy sinh tất cả, kể cả phải bán đi chiếc máy cát xét, tài sản có giá trị nhất của tôi, để có tiền cho Eryn ăn học.
Một tuần sau khi quăng bản thảo Cầu lông và kết bạn xuống sống Ciliwing, tôi đọc được bản thông báo về một học bổng thạc sĩ tại một nước thuộc Liên minh châu Âu. Tôi liền về nhà, vớ lấy giấy bút rồi ngồi vào bàn, đặt tờ giấy ngay ngắn trước mặt và bắt đầu thảo một kế hoạch với những bước thật rõ ràng. Đây là kế hoạch C của tôi: tôi muốn học tiếp! Tôi học như điên để chuẩn bị thi vào trường Đại học nơi Eryn đang học.
Sau khi tôi thi đậu, cuộc sống của tôi dường như đã biến thành một trận chiến. Tôi làm công việc phân loại thư cả ngày lẫn đêm và làm bất kỳ công việc linh tinh nào có thể tìm được để có tiền trả học phí. Tôi chưa tốt nghiệp đại học, nhưng vẫn quyết tâm giành học bổng thạc sĩ từ Liên minh châu Âu. Tập trung! Tập trung! Đó là câu thần chú của tôi. Tôi nhanh chóng hoàn tất chương trình đại học và không bỏ phí chút thời gian nào, tôi viết đơn xin học bổng của Liên minh châu Âu. Tôi dành toàn bộ thời gian trau giồi kiến thức để tham gia bài kiểm tra giành suất học bổng ấy. Tôi đọc sách cật lực. Tôi đọc trong khi phân loại thư, trong khi ăn, trong khi nằm trên giường nghe những câu chuyện wayang trên radio. Tôi đọc sách trên angkol, xe tải công cộng. Tôi đọc trên becak, xe xích lô, khi ông chủ nói xách mé, và cả trong lễ chào cơ. Nếu người ta có thể đọc trong lúc đi ngủ thì tôi cũng có thể làm được như thế. Có khi tôi đọc trong lúc chơi bóng; tôi thậm chí đọc trong khi đang đọc. Mấy bức tưởng trong phòng trọ đầy rẫy những công thức tính, những bài kiểm tra GMAT, các thì động từ. Vào tối thứ Bảy, tôi đi chợ Anyar ở Bagor. Tại một kaki lima – quầy bán hàng lưu động – tôi gặp một người Minang bán áp phích. Một khuôn mặt hiền lành với đôi kính tròn khiến tôi chú ý. Tôi biết rằng ở quãng đời này tôi cần cái gì đó khơi nguồn cảm hứng, khao khát, hoài bão. Tôi mua một tấm. Tối hôm ấy, John Lennon mỉm cười trên bức tường phòng trọ của tôi. Bên dưới tấm áp phích, tôi viết câu nói giàu ý nghĩa của ông để luôn nhắc nhở mình cần phải tích cực hơn nữa: Cuộc sống là những gì xảy đến với bạn trong khi bạn đang mải mê vạch kế hoạch này nọ.
Tôi mau chóng trở thành vị khách trung thành của thư viện LIPI (Viện Khoa học Indonesia) ở Bogor. Giờ tôi luôn đòi làm ca phân loại thư subub mà trước đây tôi ghét cay ghét đắng để được về nhà sớm học bài. Khi công việc nhiều quá, tôi tóm tắt bài đọc trên những mẩu giấy nhỏ - phương pháp ghi nhớ theo mẹo mà trước đây Lintang đã dạy cho tôi. Tôi đọc những mẩu giấy nhỏ ấy trong khi đợi người giao thư đến dỡ những bao thư từ xe tải xuống. Ở nhà tôi học tới khuya lắc khuya lơ. Lúc này căn bệnh mất ngủ kia đâm ra có ích. Tôi là người mất ngủ làm việc có năng lực dễ sợ. Bất cứ khi nào thấy mệt, tôi lại mở cuốn Giá như họ có thể lên tiếng. Herriot và tôi lại thành bạn chí cốt. Mình phải giành được suất học bổng ấy, Không một lựa chọn nào khác. Mình phải giành được! Đó là những lời cứ vang lên trong lòng tôi mỗi khi tôi đứng trước gương. Suất học bổng đó là một tấm vé thoát khỏi cuộc sống chả có gì đáng tự hào của tôi hiện giờ.
Bài kiểm tra đầy căng thẳng đó kéo dài liên tục hàng tháng. Nó bắt đầu bằng vòng sơ khảo tại một sân bóng chật ních thí sinh. Bảy tháng sau, tôi vào đến vòng chung kết, phải trải qua mộtbuổi phỏng vấn tại một học viện danh tiếng ở Jakarta. Ở vòng cuối này, người phỏng vấn tôi là một cựu công sứ có gương mặt ưa nhìn và thích hút thuốc. “Một thói quen gớm chết,” tôi nhớ Morgan Freeman nói thế trong một bộ phim. Tôi đến viện và, lần đầu tiên trong đời, tôi đeo cà vạt. Cái thứ đó quả thật không muốn làm bạn với tôi. Một phụ nữ mời tôi vào một căn phòng. Quý ông ưa thuốc lá đó đã an tọa với điếu thuốc gắn trên môi. Ông ta bảo tôi ngồi trước mặt ông và ông quan sát tôi thật lỹ. Hẳn là ông ta nghĩ anh thanh niên nhà quê này chắc chắn sẽ khiến những kiều bào Indonesia ngượng chết đi mất. Rồi ông đọc lá thư trình bày động cơ của tôi – lá thư mà mỗi người tham gia đều phải viết để trình bày lý do họ cảm thấy mình xứng đáng được nhận học bổng. Vị cựu công sứ rít một hơi thuốc thật sâu và rồi, như một trò ảo thuật, không thấy một chút khói nào nhả ra cả, như thể ông nuốt trọn khói vào trong và để nó nguyên trong ngực một lúc. Mắt ông lim dim, chậm rãi chớp vài cái khi ông tận hưởng chất độc nicotine đang được đưa vào người. Rồi, bằng một nụ cười thỏa mãn đến rợn người, ông nhả khói ra và nó trôi thoảng qua trước mặt tôi. Mắt tôi cay sè và tôi cố chống lại cơn ho cùng cảm giác buồn nôn, nhưng tôi có thể làm gì chứ? Người đàn ông ngồi trước tôi đây đang nắm giữ tấm vé tối quan trọng cho tương lai của tôi. Mặc dù cơn nôn mửa gần như không kiềm chế được nữa, tôi vẫn cố ngồi thật ngay ngắn và đáp lại ông ta bằng nụ cười gượng gạo như kiểu của mấy cô tiếp viên hàng không. “Hừm, tôi thích là thư trình bày động cơ của anh đấy. Những lý do anh đưa ra và cách anh diễn đạt bằng tiếng Anh rất ấn tượng.” ông ta nói. Tôi lại cười, lần này giống nụ cười của một nhân viên bán bảo hiểm. Ông ta chưa biết đàn ông Mã Lai vốn khéo ăn nói hay sao, tôi thầm nghĩ. Rồi, vị cựu công sứ xem đến đề xuất nghiên cứu của tôi, trong đó có lĩnh vực tôi tập trung nghiên cứu, tài liệu nghiên cứu và tên đề tài tôi sẽ nghiên cứu nếu tôi nhận được suất học bổng đó. “Ái chà, cái này cũng khá thú vị đấy!” Ông muốn nói tiếp, nhưng điếu thuốc thân yêu của ông dường như quan trọng hơn. Ông ta lại rít thuốc. Tôi dám cá rằng nếu ngực ông ta được chụp X-quang, chắc chắn nó chỉ toàn một màu đen. Người đàn ông này thông minh nổi tiếng, không chỉ trên đất nước này mà còn trên khắp thế giới nữa. Những đóng góp của ông cho đất nước này không phải là ít, vậy sao ông có thể chẳng hiểu gì về khói thuốc? “Ừm, ừm… chủ đề này đáng được nghiên cứu thêm đấy, rất thử thách. Ai hướng dẫn anh viết cái này đây?” Ông mở rộng miệng cười, thong thả nhả khói.Tôi biết đây là một câu hỏi tu từ không cần câu trả lời. Tôi chỉ cười. Trường Muhammadiyah, cô Mus, thầy Harfan, Lintang và đội Chiến binh Cầu vồng chứ ai nữa, tôi thầm trả lời. “Tội đợi rất lâu rồi mới có một đề xuất nghiên cứu như thế này đấy. Rồi nó cũng đến, và lại từ một nhân viên bưu điện! Anh đã ở đâu ngần ấy thời gian, anh bạn trẻ?” Lại là một câu hỏi tu từ nữa, tôi cười, và nghĩ, Edensor chứ đâu. Đề xuất của tôi là nghiên cứu sâu hơn về phương thức định giá chuyển giao. Tôi đưa ra phương thức này chuyên để giải quyết vấn đề giá cả trong dịch vụ lẫn viễn thông, và nó cũng có thể được sử dụng như một phương thức tham khảo để giải quyết những cuộc tranh chấp kết nối giữa những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Tôi phát triển phương thức đó sử dụng phương trình nhiều biến, nguyên lý trước đây Lintang đã dạy tôi.
Không lâu sau đó, tôi bắt đầu đi học tại một ngôi trường đại học ở châu Âu. Hiện giờ tôi nhìn cuộc sống của tôi từ một góc độ khác. Hơn thế nữa, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì đã trả được món nợ ân tình cho trường Muhammadiyah, cho cô Mus, cho thầy Harfan, và cho đội Chiến binh Cầu vồng