Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2019



https://rosienguyen.net/2019/04/minh-co-gioi-hay-khong.html

Một lần, mình tình cờ đọc được bài note của một bạn học cùng trường đại học cũ. Bạn kể rằng ngày xưa 12 năm phổ thông, điểm số của bạn lúc nào cũng đầu lớp, nên bạn cũng tự tin rằng mình cũng có chút thông minh tài giỏi. Đến khi vào đại học, nhìn thấy tụi bạn giỏi giang năng động tới mức lồng lộn, đứa làm MC người mẫu, đứa đạt giải kỳ thi quốc tế, đứa khởi nghiệp kinh doanh, bạn mới nhìn lại bản thân, và thấy rằng, hóa ra mình không giỏi như mình tưởng. Và rồi tốt nghiệp ra trường với học lực làng nhàng, đi làm kiếm cơm, bạn xác định trong đầu rằng, mình không hề giỏi.

Lúc đọc bài note đó, trong đầu mình có một sự phản đối ngầm. Tuy không thân quen, nhưng mình có biết chút ít về người bạn đó. Sau khi đi làm một thời gian, bạn tự trau dồi kỹ năng nhiếp ảnh, và mở một studio nhỏ xinh với khá nhiều khách hàng lui tới. Những bức ảnh bạn chụp luôn có một cá tính rất riêng, và rất có hồn. Bạn còn hợp tác với bạn bè mở thêm một chuỗi homestay đến 3, 4 địa điểm tại Sài Gòn. Mới hai mấy tuổi đầu, như vậy mà còn gọi là không giỏi? Lúc đó, mình định viết một bài, đại ý rằng, mỗi người sinh ra đều có những điểm mạnh riêng của mình. Như Tom Rath trong StrengthsFinder 2.0 từng viết, khi ta học cách để mài giũa và phát huy các thế mạnh, thì ta sẽ tạo được nhiều thành tựu và tỏa sáng với những tố chất mà ta có. Thế rồi thời gian trôi qua, mình làm biếng viết, ý tưởng về bài viết đó, số phận cũng như bao nhiêu ý tưởng “hoành tráng” khác mà mình từng ấp ủ trong đầu, dần dần tan thành bọt nước.

Nhưng rồi vấn đề của người bạn mình cứ lặp đi lặp lại dưới nhiều hình thức và câu chuyện khác nhau, ví dụ như những tâm sự dưới đây:

“Con chào cô, con đang gặp phải những vấn đề mà con không giải quyết được, mà hy vọng cô có thể cho con vài lời khuyên nho nhỏ. Đó là khi con nhìn vào bạn bè con, những người bạn thân thiết với con đều rất giỏi. Họ giỏi trong học tập vì thế con cảm giác bị thua kém. Con là một học sinh lớp 10, và là một học sinh ở huyện lên thành phố học trường chuyên. Con thấy mình nhỏ bé và dường như chẳng có cơ hội nào để giỏi như họ. Con cũng cảm thấy mình thật kém cỏi khi gửi cho cô những dòng này.”

“Chào chị. Em là S, một độc giả rất yêu thích những cuốn sách của chị viết. Hôm nay, em viết mail này cho chị vì muốn nhờ chị tư vấn giúp em một số việc. Dạo gần đây, em thường xuyên cảm thấy rất áp lực, mệt mỏi và căng thẳng vì nhiều việc, nhưng hầu hết là vì việc học ở trường. Em rất muốn rút khỏi đội tuyển đang học vì nó tốn rất nhiều thời gian và công sức. Em đã nói chuyện này với gia đình, nhưng mỗi khi em nói rằng em áp lực, ba mẹ em thường so sánh em với các bạn khác trong lớp, đặc biệt là bạn Q – một bạn học rất giỏi và đem lại nhiều thành tích cho trường, tập thể. Việc ấy khiến em áp lực và cảm thấy ganh tị, ghét bạn. Em không muốn ghét ai cả, nhưng mỗi lần em mệt mỏi mà lại được “đổ dầu” vào như thế thực sự làm em rất khó chịu.”

“Chị ơi, em không hiểu sao khi em thấy bạn em học tốt hơn em thì ý chí phấn đấu của em bị sụt giảm hẳn. Mỗi lần thầy cô khen ngợi bạn nào đó giỏi quá thông minh quá thì em chỉ muốn buông xuôi chẳng muốn học gì nữa. Em chán nản với chuyện phải so bì về điểm số và đề cao thứ hạng trong lớp”.

Và hôm nay, khi đứa em mà mình rất mực yêu quý nói rằng nó không hề muốn về thăm nhà, vì mỗi lần về nhà sẽ bị gia đình, hàng xóm đánh giá, hỏi học ra sao, đang làm nghề gì, trong khi người khác ra trường đi làm lương tháng đã chục triệu trong tay, mà mình chưa có gì hết.

Con bé em mình, một đứa cực kỳ năng động, tính tình dễ thương, có tinh thần trách nhiệm tốt với các hoạt động xã hội. Nó, một đứa tự đi làm kiếm tiền trang trải sinh hoạt từ năm hai đại học. Một đứa tự mở một tiệm bán quần áo cũ, tự may vá thêu thùa từng cành cây, con cá trên những tấm áo xinh xắn cho khách hàng. Một đứa không chịu xài băng vệ sinh bình thường mà xài băng vệ sinh vải, vì bảo: cảm thấy chỉ việc thở không thôi cũng đã làm ô nhiễm thêm không khí rồi, phải sống thế nào để đỡ bớt gánh nặng cho trái đất. Nó, một đứa em mà mình quý mến vì sự quan tâm chân thành đến người khác, vì việc kết nối và gìn giữ những mối quan hệ có ý nghĩa, những chương trình cộng đồng mà em tham gia, tới ý thức về trách nhiệm của bản thân với cộng đồng và môi trường sống. Và nó cũng chịu đựng những mệt nhọc chán chường khi bị so sánh bản thân mình với người khác. Và điều đó làm mình tức giận.

Mình cảm thấy rằng, rất nhiều người trong chúng ta là nạn nhân của một nền giáo dục tồi tệ. Một nền giáo dục mà ngay từ những ngày còn nhỏ ta đã quen với việc công khai điểm số của các thành viên trong lớp, đã quen bị phân loại, đứa này thông minh, đứa kia học dốt, đứa giỏi qua lớp chuyên, đứa dở qua lớp thường. Một nền giáo dục quá coi trọng kết quả, điểm số, thành tích, và sự tài giỏi bẩm sinh. Một nền giáo dục làm thui chột ý chí phấn đấu, bỏ qua tầm quan trọng của sự kiên trì, bền bỉ, nỗ lực khổ luyện của con người.

Và cũng như nhiều người khác, từ bé mình đã chỉ tập trung đánh giá một người qua những lăng kính hẹp, rằng họ có giỏi hay không, họ có tài năng hay không, họ thông minh hay là chậm tiến. Đến nỗi sau này trong thời sinh viên mình mang tính khinh khi kiêu ngạo ra mặt, đứa nào giỏi mình mới chơi, đứa nào nhìn mặt lù đù khù khờ thì làm lơ như không tồn tại.

Đến bây giờ, mình mới thấy tại sao điều này lại kinh khủng đến như vậy.

Vì sự so sánh, phân cấp, dán nhãn, tất cả những thứ đó ép chúng ta vào một cuộc đua mải miết. Cuộc đua để đánh giá năng lực bản thân mình bằng việc phải luôn nỗ lực để chiến thắng người khác. Nó bó hẹp chúng ta trong việc phải chạy theo cái guồng xoáy đó, khiến đến một lúc nào đó sẽ khiến ta mệt mỏi kiệt quệ vì không được sống với nhịp độ của bản thân mình. Những cách phân loại cứ như những cái hộp quá chật hẹp, khiến ta không làm cách nào mà cựa mình thoát khỏi chúng được.

Vì cái cách phân định chính mình và người khác bằng việc phân định giỏi dở nó ăn sâu vào đầu óc con người, khiến ai cũng bị thương tổn. Những người nghĩ mình giỏi thì nỗ lực không ngừng để khẳng định bản thân, để được xã hội công nhận rằng mình vượt trội hơn, thông minh hơn, giỏi giang, thành công và xuất chúng hơn so với người khác. Còn những người nghĩ mình không giỏi thì rơi vào cái bẫy của định mệnh, cho rằng tài trí của con người là cái đã được định sẵn ngay từ khi mới ra đời rồi, có nỗ lực đến mấy thì làm sao mà mình có thể giỏi bằng người ta được. Thế là cạn kiệt động lực để phấn đấu, vì có cố gắng phấn đấu mấy cũng đâu thể nào vượt mặt được những người đã giỏi từ trong trứng nước kia. Lâu dần, nó triệt tiêu đi năng lực hành động, cứ cảm thấy mình không đủ khả năng, hết mong muốn cố gắng, không mơ mộng viễn vông, chấp nhận cuộc sống làng nhàng và cuốc sống dưới mức tiềm năng của mình.

Có hai quyển sách mà mình cho rằng tất cả mọi người, nhất là học sinh và các bậc phụ huynh, nên đọc. Đó là quyển Mindset: The New Psychology of Success của nhà tâm lý học Carol S. Dweck (tựa tiếng Việt nghe hơi “ghê ghê” là: Tâm lý học thành công), và quyển Grit của Angela Duckworth.

Bởi những điều mà mình vừa đề cập đã được tổng hợp và gọi tên bởi tiến sĩ Carol. S. Dweck là fixed mindset, tạm dịch là tư duy bảo thủ. Đó là kiểu tư duy khép kín và cố định, cho rằng năng lực con người là cái vốn có và không thể phát triển thêm lên, xem xét mọi khía cạnh trong cuộc sống theo tâm lý nhị nguyên, giỏi hay dở, thông minh hay ngu dốt, thành công hay thất bại, thắng cuộc vẻ vang hay thua cuộc thảm hại.

Tư duy fixed mindset sợ thử thách, bởi vì mỗi lần thử thách là một lần có nguy cơ thất bại. Và sợ thất bại, bởi mỗi thất bại sẽ là một lần chứng minh cái khả năng hữu hạn yếu kém, hoặc các khiếm khuyết tiềm tàng trong tố chất của mình. Đối với cách suy nghĩ fixed mindset, thất bại, sự thua cuộc, bị từ chối, là dấu hiệu cho thấy bản thân mình không thông minh, hoặc không tài giỏi được như người khác. Đó là khởi đầu của sự so sánh, của cảm giác thua kém, và cả cách hành vi gian lận trong học hành và công việc để được công nhận khả năng. Kiểu tư duy này cũng ảnh hưởng nặng nề trong các mối quan hệ tình cảm, bởi mong muốn tìm kiếm Mr. Right, người bạn đời hoàn hảo phù hợp trong mọi khía cạnh cuộc sống với mình, người có thể thấu hiểu thông cảm và yêu thương mọi góc tối trong bản thân mình mà mình không cần phải cố gắng.

Đối ngược với fixed mindset là growth mindset. Growth mindset là kiểu tư duy rằng: dù trí thông minh, tài năng, tính cách, hay khả năng con người của bạn thế nào, bạn luôn có thể rèn luyện để cải thiện chúng nhiều hơn một chút. Nhưng đó không phải là một tuyên bố chơi chơi sau một buổi ngồi vỉa hè chém gió. Mà nó là kết quả của nhiều công trình nghiên cứu sau hơn bốn mươi năm ròng trên hàng nghìn người kể cả người lớn và trẻ con. Ngay cả trí thông minh, vốn là cái được nhiều người cho là năng lực bẩm sinh, mà còn có thể thay đổi. Bổ sung vào growth mindset, quyển Grit của cô Angela thêm vào những số liệu, dẫn chứng, nghiên cứu khoa học và khảo sát trên nhiều nghìn người khác, để đi đến kết luận rằng: Điều quyết định sự thành công của một người, không phải là ở mức độ tài giỏi hay khả năng thiên phú, mà là nhờ hai yếu tố, là đam mê, và sự bền bỉ.

Growth mindset cho rằng tố chất bẩm sinh của mỗi con người chỉ là xuất phát điểm ban đầu, và để trở nên thành công hay xuất sắc thì con người ta cần phải cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ để rèn luyện bản thân. Growth mindset không xem thất bại là minh chứng cho năng lực giới hạn, mà chỉ là trải nghiệm và cơ hội để học hỏi điều mới và tiếp tục tiến lên. Growthmindset trân trọng nỗ lực vươn lên và khổ luyện nhưng không phải để tìm kiếm sự công nhận, mà để vượt qua những giới hạn của chính mình, để phát triển kiến thức và kỹ năng, và để chạm đến những phần tiềm năng chưa được khai phá bên trong mỗi người.

Growth mindset là lối tư duy tin vào khả năng thay đổi của con người, là việc chấp nhận xuất phát điểm của mình, và tôn trọng nỗ lực của mình. Là thay vì suy nghĩ rằng: có cố gắng đến chết mình cũng không thể viết hay bằng Hermingway, thì nghĩ là: chỉ cần mỗi ngày mình viết thêm được vài trăm chữ, rèn luyện kỹ năng viết lách của mình thêm một tí, thì sau nhiều tháng nhiều năm mình sẽ viết tốt hơn mình lúc mới bắt đầu rất nhiều. Và ai biết được mình sẽ đi được đến đâu nếu cứ miệt mài rèn luyện với đam mê sau hàng chục năm trời như thế.

Một bên là nỗ lực để chiến thắng người khác. Một bên là nỗ lực để hoàn thiện và chiến thắng bản thân.

Một bên là tư duy chăm chăm hướng về kết quả. Một bên là trân trọng những nỗ lực và trải nghiệm trên hành trình.

Một bên triệt tiêu động lực để cố gắng. Một bên coi cố gắng khổ luyện là một phần tất yếu để trở nên thành công và xuất sắc.

Một bên tin vào người yêu hoàn hảo, một người duy nhất hợp với mình, hiểu mình đến nỗi không cần nói họ cũng biết được suy nghĩ của mình. Một bên biết rằng tình yêu là hành trình mà cả hai cùng học hỏi và lớn lên cùng nhau, rằng một mối quan hệ hòa hợp đòi hỏi rất nhiều nỗ lực “teamwork” để cùng hợp tác và phát triển.

Đó là khi ta học cách để chuyển sự tập trung từ người khác qua chính mình, từ kết quả qua quá trình, từ thắng lợi sang học hỏi.

Cho nên, với câu hỏi đầu bài, mình có giỏi hay không là một câu hỏi tồi. Câu hỏi hay hơn là: “Mình có thể làm gì để trở nên giỏi hơn, tốt hơn, và tử tế hơn nữa?” Trở nên xuất sắc hơn, tốt đẹp hơn, không phải là để khẳng định mình vượt trội. Mà là để ngày càng vươn tới con người chân thực nhất, hoàn thiện nhất bên trong mình, là cách để ngày càng tiến gần hơn với những tiềm năng ẩn giấu bên trong mình, là cách để hiển lộ cái phần người tốt nhất có thể bên trong mình.
Tagged
Different Themes
ĐỌC BÁO HAY - BÌNH LUẬN NGAY CHO NÓNG

Cùng nhau thảo luận về điều mà bạn quan tâm nào

0 nhận xét