Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019

ĐỪNG HỎI TẠI SAO LÀM HOÀI MÀ VẪN NGHÈO???
Minh Pham
Sau Tết, ly cà phê, gói xôi tăng giá 2000đ (20%), dĩa cơm sườn, tô bún bò tăng 5000đ (20%), nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá trung bình 15%-25%.

Không cần phải là thiên tài kinh tế Lê Duẩn thì bạn cũng có thể ước tính được mức lạm phát trung bình ở Việt Nam hiện tại, nó cách xa rất nhiều con số 3.54% mà Tổng cục thống kê công bố hồi cuối năm 2018.

Kinh tế gia Milton Friedman đã từng nói: "Lạm phát là một hình thức đánh thuế duy nhất để chánh phủ thi hành mà không cần bất kỳ sắc lệnh nào." Thông thường, bất kỳ loại thuế mới nào trước khi được phê chuẩn cũng phải được đệ trình trong Quốc hội và trải qua các phiên thảo luận để đánh giá tính hợp lệ và hợp lý của sắc thuế đó. Tuy nhiên, lạm phát là một ngoại lệ và là một loại thuế trá hình. Nó là công cụ đầy quyền năng của chính phủ để làm giảm sức mua đồng tiền của bạn, qua đó bòn rút tài sản của bạn, mà không cần phải hỏi bạn dù chỉ một câu.

Ở Việt Nam, vũ khí lạm phát càng được sử dụng hiệu quả dưới chiêu bài kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, và được cụ thể hóa bằng hành động dưới sự soi sáng dẫn đường của học thuyết Leduanist, một công trình nghiên cứu đầy công phu và tâm huyết của kinh tế gia lỗi lạc Lê Duẩn, Tiến sĩ tốt nghiệp Pac Bo University lừng danh, người đã đạp đổ mọi học thuyết kinh tế hàn lâm, sáo rỗng bằng một tuyên ngôn hùng hồn: "Tôi hỏi thì nói không có tiền. Kìa, không có thì in ra! In ra! Không sợ lạm phát! Tư bản đế quốc in tiền mới lạm phát chứ ta, chuyên chính vô sản thì sao lại lạm phát mà sợ?"

Thử vận dụng kiến thức toán lớp 1 để phân tích học thuyết Leduanist:
1. Bài toán về tổng số tờ tiền polymer tối đa có thể in ra trong 1 năm cho 1 loại mệnh giá tiền:

Số seri của 1 tờ tiền polymer (mệnh giá bất kỳ) có dạng: AA yyxxxxxx. Trong đó:

- 2 ký tự đầu (AA) là tổ hợp của 2 chữ cái bất kỳ (trong bảng 26 chữ cái tiếng Anh từ A đến Z), như vậy ta sẽ có tổ hợp 26 x 26=676 (từ AA đến ZZ) đầu số seri cho mỗi loại mệnh giá tiền.
- ‎2 số đầu (yy) là năm in tiền. Ví dụ: 16 là tiền in năm 2016, 17 là tiền in năm 2017, 18 là tiền in năm 2018.
- ‎6 số tiếp theo (xxxxxx) là số thứ tự (running number) của tờ tiền. Như vậy ta sẽ có con số chạy từ 000000 đến 999999, tức là 1000000 (1 triệu) tờ trong cùng 1 đầu số seri.

Suy ra, tổng số tờ tiền tối đa có thể in ra trong 1 năm cho 1 loại mệnh giá tiền là:
676 x 1 triệu tờ = 676 triệu tờ (*).

2. Bài toán về tổng lượng tiền polymer tối đa có thể in ra trong 1 năm:

Các loại mệnh giá tiền polymer đang lưu hành: 10K, 20K, 50K, 100K, 200K, 500K (**).

Từ (*) và (**) ta có thể suy ra tổng lượng tiền polymer tối đa có thể in ra trong 1 năm là:
676 triệu x (10K + 20K + 50K + 100K + 200K + 500K) = 594,880 tỷ VNĐ.

Về mặt lý thuyết thì 594,880 tỷ VNĐ là tổng lượng tiền tối đa có thể in ra trong 1 năm. Còn về thực tế thì chúng ta không bao giờ biết được con số cụ thể đó là bao nhiêu. Nó cũng giống như về mặt lý thuyết, lạm phát năm 2018 chỉ là 3.54% còn thực tế thì bạn thấy giá cả các mặt hàng đều tăng 15%-25%.

Sự ảo diệu của kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là ở chỗ đó. Việc in tiền và giá cả các mặt hàng trọng yếu (điện, nước, xăng...) thì do nhà nước "quyết định" theo định hướng XHCN, còn giá cả hàng hóa còn lại thì do người dân "thỏa thuận" với nhau theo kinh tế thị trường, rồi nhà nước "hốt thêm cú chót" bằng VAT đánh trên giá tăng đó.

Đừng hỏi tại sao làm hoài mà vẫn nghèo, hãy hỏi ai đã cướp mất sự thịnh vượng của bạn?

Different Themes
ĐỌC BÁO HAY - BÌNH LUẬN NGAY CHO NÓNG

Cùng nhau thảo luận về điều mà bạn quan tâm nào

0 nhận xét