Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Phan Thị Anh Thơ

30-10-2019

Linh tính từ phút đầu

Hai giờ sáng, giờ Vancouver, công việc dường như vô tận. Tôi mệt quá, ngồi xuống nghỉ ít phút. Mở bản tin Reuters thấy: “Police say 39 dead in truck near London believed to be Chinese”. (Tạm dịch: “Cảnh sát nói 39 người chết trong xe tải gần London, có thể là người Trung Quốc”).

Cảm giác ớn lạnh chạy dọc tủy sống. Linh tính báo cho tôi biết chuyện không lành. Ba mươi chín kẻ bất hạnh trên hẳn phần lớn là người Việt. Tôi thầm nghĩ khi đọc những dòng đầu tiên của bản tin.

Tôi ở Canada trên 30 năm. Tôi chưa thấy một người Trung Quốc nào đi “trồng cỏ” hay làm “nails”.

Trồng cỏ

Để tôi kể bạn nghe. Trước và sau năm 2000, cộng đồng người Việt ở Canada (chỉ Canada thôi, không thấy ở Mỹ) có phong trào trồng cần sa (cannabis, marijuana, weed, pot, bud, ganja) lậu, trong nhà. Người Việt dùng tiếng lóng gọi là “trồng cỏ” (trồng cần sa, bồ đà).

Tôi ít chữ quá, không đủ ngôn từ mô tả phong trào này sâu rộng trong cộng đồng người Việt ở Canada như thế nào.

Nhà nhà trồng cỏ, người người trồng cỏ. Mở nhà hàng tầng trên, tầng hầm trồng cỏ. Giả vờ giữ trẻ tầng trên, tầng dưới trồng cỏ. Mua cả ba căn nhà cạnh nhau, căn giữa trồng cỏ. Bác sỹ, dược sỹ, người giàu bỏ tiền cho bệnh nhân hoặc người quen trồng cỏ thu lời.

Tờ báo lớn và uy tín nhất Canada, The Globe and Mail, ngày 25/3/2000 mô tả những vụ đấu súng kéo dài đổ máu và án mạng trong cộng đồng người Việt. Chỉ riêng ở thành phố Vancouver, cảnh sát ước tính có tới 7000 cơ sở trồng cần sa của người Việt, hơn 80% trong số này dưới sự điều hành của các băng đảng người Việt.

Để phục vụ cho nhu cầu trồng cỏ, hàng loạt các dịch vụ ăn theo. Bán đất trồng, phân bón, hormone kích thích, thùng, chậu, bóng đèn cao áp, ống tưới nước, giống, hạt v.v…

Những tờ báo tiếng Việt địa phương, quảng cáo, công khai: Có các “chuyên gia” giàu kinh nghiệm, tận tình kín đáo, hướng dẫn cho khách cách gieo hạt, trồng tỉa, tưới, chiết cành, chăm bón, thu hoạch, bảo quản và phân phối ra thị trường.

Các “chuyên gia” còn hướng dẫn cách câu điện lậu, mắc ống nước chui, cách ngụy trang, cách đánh lạc hướng, cách đối phó khi bị phát hiện, cách đánh lừa cảnh sát.

Những người trồng cỏ đều hiểu. Hệ thống tư pháp Canada khá nhẹ tay, thậm chí nhân đạo. Tù tội nhẹ nhàng như một cuộc dạo chơi. Hơn nữa, những năm đầu, cảnh sát Canada khá lúng túng vì rào cản ngôn ngữ và văn hóa rất khác biệt.

Trồng cỏ thường đi liền với nhà hàng và làm nails. Chồng trồng cỏ, vợ mở tiệm nails hoặc nhà hàng, che mắt thế gian, rửa tiền.

Cộng đồng người Việt trên mọi miền đất Canada, từ thành phố lớn vài triệu dân cho tới những thị trấn nhỏ vài ngàn, từ Montreal tới Vancouver, từ Toronto tới Calgary, từ miền đông qua miền tây, cả những khu tự trị heo hút vùng Bắc Cực, cứ ở đâu có người Việt là ở đó có trồng cỏ, tiệm nails, nhà hàng và bán hàng hot (đồ ăn cắp, bán giá rẻ).

Thoạt đầu, nó phát triển trong nhóm người “Tàu Bắc” (người Tàu ra đi từ miền Bắc), và người Bắc (Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa). Sau đó lan qua cộng đồng người Nam. Phong trào rầm rộ và sâu rộng. Mỗi dịp tiệc tùng, cưới hỏi, sinh nhật, lễ tết là người ta ngồi bàn, tán dóc, bốc phét chuyện trồng cỏ.

Người Việt hốt bạc một thời. Tất nhiên những hệ lụy kèm theo băng đảng, cướp, thù hận, thanh toán lẫn nhau, đổ máu, tù đày và tính mạng.

Phong trào trồng cỏ từ từ tàn lụi khi bước qua thập kỷ thứ hai của thế kỷ này. Đặc biệt, khi chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau thông qua đạo luật được trồng, bán, dùng cannabis (marijuana) công khai. Phong trào trồng cỏ trong cộng đồng người Việt chính thức khai tử. Giờ đây, không thấy ai nói về nó nữa.

Lan qua Âu châu

Ngược dòng thời gian, khoảng từ 2001 tới 2007, nhiều người Việt từ Âu châu qua Canada học kinh nghiệm trồng cỏ. Những người Tàu Bắc, người Bắc vẫn là nhóm tiên phong.

Tiếp theo là tầng lớp ưu tú của miền Bắc Việt Nam trước đây qua Đông Âu và Liên Xô du học kết hợp với nhóm xuất khẩu lao động. Nhóm này có học, biết cách tổ chức băng đảng, nắm vững địa hình từ Liên Xô, qua Đông Âu, Tây Âu tới Anh quốc.

Phần lớn họ là những người thuộc các tỉnh Bắc Trung bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, và Quảng Bình. Họ có những mối quan hệ rất rộng trong nước dưới danh nghĩa “Đồng hương”.

Không cản bước ta đi

Tại sao “trồng cỏ” nở rộ ở Canada mà không ở Mỹ? Tại sao trồng cỏ nhiều ở Vương quốc Anh, mà ít thấy ở quốc gia Âu châu khác?

Nhường lời cho những nhà xã hội học, còn tôi chỉ đưa ra đôi lời phỏng đoán. Đó là thị trường béo bở, dễ hốt bạc. Hệ thống pháp lý của Canada rất giống với Vương quốc Anh không quá hà khắc với trồng cỏ. Hệ thống an sinh xã hội nhân đạo với di dân (ngay cả di dân bất hợp pháp).

Đó là sức hút, lực hấp dẫn vô hạn cho người muốn tới. Hơn nữa, những “Soái” điều hành mạng lưới trồng cỏ, thường thích tuyển dụng những người “Đồng hương” con em ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, là những con người chăm chỉ, kiên cường, chịu đựng, dũng cảm đến mức liều mạng.

Tôi không tin, sau biến cố này, họ dừng lại. Họ vẫn ra đi. Từ nhỏ, họ đã thuộc lòng: “Không kẻ thù ngăn cản bước ta đi”. Họ dư thừa bản lĩnh và tài năng để “thua keo này, bày keo khác”.

Cho tôi chia buồn với gia đình ba mươi chín nạn nhân. Tôi cầu nguyện cho linh hồn các em. Cái chết của các em là bài ca bi thương cho nhân loại. Các em là những người vô tội. Mưu cầu một đời sống khá hơn là vô tội nếu không nói là rất đáng khâm phục.

Tôi chúc những em đang chuẩn bị ra đi hãy “Chân cứng đá mềm”.

Cuối tháng Mười, 2019

Vancouver, Canada

Phan Thị Anh Thơ
Tagged
Different Themes
ĐỌC BÁO HAY - BÌNH LUẬN NGAY CHO NÓNG

Cùng nhau thảo luận về điều mà bạn quan tâm nào

0 nhận xét