Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020
no image

Năm mới, khởi đầu mới, tôi chia đời sống ra làm 7 lĩnh vực để mọi người nhìn lại đồng thời có một sự đầu tư thích hợp, biến cuộc sống của chúng ta trở nên mới mẻ, phong phú và có ý nghĩa hơn.

01. Học tập

1. Tiếng anh hoặc bất cứ thứ tiếng nào bạn thấy có ích cho mình, mỗi ngày học khoảng 1 tiếng, lập ra một kế hoạch học bài bản, bắt đầu từ tháng 2, kiên trì trong 3 tháng, mục tiêu là nắm chắc được những thứ cơ bản nhất, từ vựng phong phú hơn, để ít nhất đi du lịch không cần lo lắng.

2. Học cách sử dụng sơ đồ tư duy, có thể đăng kí lớp học, kiên trì trong vòng 1 tháng, rèn luyện cho mình tư duy ngắn gọn và logic.

3. Sử dụng bút nhớ hay các phương pháp quản lý thời gian như phương pháp pomodoro quản lý thời gian, đảm bảo hiệu suất học hành.

4. Học cách sử dụng power point, excel một cách thành thạo, học các mẹo sử dụng, trình bày sao cho chuyên nghiệp, ngắn gọn nhưng vẫn truyền đạt được đủ ý.

5. Tham gia các khóa học nghệ thuật ngắn hạn mà bạn yêu thích như vẽ, đàn, hát, trà đạo, yoga, võ thuật....
Kiên trì vài chuyện vặt vãnh là cuộc đầu tư tốt nhất cho bản thân trong năm 2020 - Ảnh 1.
02. Cuộc sống

6. Sống đơn giản, mỗi ngày phát hiện ra một nét đẹp nho nhỏ của cuộc sống và ghi lại.

7. Nuôi mấy chú cá vàng, thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ bể cá, ngắm nhìn đàn cá bơi lội tung tăng.

8. Mua một bồn cây nhỏ, một chậu hoa nhỏ, đặt ở giá sách, bàn làm việc, cửa sổ ở nhà và công ty, mỗi ngày trước khi đi ngủ và sáng sớm ngủ dậy ngắm nhìn chậu hoa, hít và cảm nhận mùi hương thơm ngát, tương tự ở nơi làm việc, bắt đầu một ngày làm việc thật sảng khoái.

9. Dọn dẹp sạch sẽ giường ngủ mỗi ngày, đặt sách và đồ lưu niệm ở những góc nhỏ cố định.

10. Tối giản hóa cuộc sống, điều chỉnh lối sống, vứt bỏ bớt những đồ dùng sinh hoạt không cần thiết.

11. Trung bình mỗi tháng mua 2,3 vật phẩm mà mình yêu thích, mỗi tuần ít nhất một lần làm một cuộc cách mạng dọn dẹp.

12. Kiên trì thói quen ngủ sớm dậy sớm, tối 10h30 đi ngủ, trước khi ngủ đánh răng, ngâm chân, sáng 6 giờ thức dậy.

13. Học nấu ăn, mỗi năm cố gắng học được cho mình khoảng 10 món ăn, đừng chỉ suốt ngày ăn cơm bên ngoài.
Kiên trì vài chuyện vặt vãnh là cuộc đầu tư tốt nhất cho bản thân trong năm 2020 - Ảnh 2.
03. Giải trí

14. Mỗi tuần xem một bộ phim, lựa chọn một vài bộ phim kinh điển và phim mới ra mà mình thích, vừa thưởng thức vừa phê bình phim xem sao.

15. Cùng với bạn tham gia một buổi biểu diễn ca nhạc, hòa nhạc, đi xem một buổi concert, cùng nhau nhảy múa, hòa vào đám đông, quên hết muộn phiền, sự đời.

16. Đi xem kịch, múa rối, múa bóng, sống lại không khí truyền thống, thả hồn vào văn hóa dân tộc.

17. Đi xem một buổi triển lãm nghệ thuật, làm mới, mở mang bản thân ở một lĩnh vực khác.

18. Tổ chức một buổi họp mặt gia đình, tự tay xuống bếp nấu cho cả nhà một bữa ăn thật ngon, thật thịnh soạn.

19. Tự mình đi dã ngoại, đi phượt, rèn luyện khả năng khả năng sinh tồn, khả năng thích nghi với hoàn cảnh.
Kiên trì vài chuyện vặt vãnh là cuộc đầu tư tốt nhất cho bản thân trong năm 2020 - Ảnh 3.
04. Quản lý tài chính

20. Ghi chép, xem lại tình hình thu chi của bản thân, đảm bảo chi tiêu rõ ràng, không tiêu dùng mù quáng.

21. Tiếp tục học tập thêm các kiến thức về quản lý tài chính, theo dõi các tài khoản mạng xã hội liên quan tới quản lý tài chính, nâng cao hiểu biết ở phương diện này.

22. Đảm bảo mức thu nhập lớn hơn 90 triệu mỗi năm, ngoài ra có thể có thu nhập thêm từ các nguồn khác như kinh doanh hay viết lách...

23. Cân bằng khoản tiền lưu động, chi ra một khoản nhất định cho việc học tập hay tham gia vào các hoạt động cá nhân mà mình yêu thích, cố gắng dữ mức chi hàng tháng không chênh lệch quá lớn.

24. Đọc nhiều sách về tài chính, kinh doanh, bổ sung cho mình một chút kiến thức về kinh tế thương mại, phàm là chuyện gì trong cuộc sống cũng đều cần tới sự tính toán, cân nhắc.

25. Học cách thu mua vàng, ngoại tệ hay trái phiếu, mở ra cho mình một phương thức quản lý tài chính mới.
Kiên trì vài chuyện vặt vãnh là cuộc đầu tư tốt nhất cho bản thân trong năm 2020 - Ảnh 4.
05. Công việc

26. Tích cực tham gia các hoạt động của công ty, nếu hoạt động nào cần tới MC, người lên kế hoạch... hãy tích cực tham gia, vừa rèn luyện nâng cao bản thân, vừa có thể kết thêm nhiều bạn bè.

27. Duy trì tốt mối quan hệ đồng nghiệp, rèn luyện cách ăn nói, tổng kết và báo cáo công việc.

28. Đến công ty trước 10 phút.

39. Có trách nhiệm, luôn cẩn thận, tỉ mỉ với mỗi công việc được giao.

30. Nỗ lực làm việc để có được sự công nhận của lãnh đạo.

31. Đặt ra kế hoạch công việc rõ ràng, học hỏi những đồng nghiệp ưu tú hơn.

32. Quan tâm nhiều hơn tới những cuốn sách hay những lớp học giúp nâng cao năng lực chuyên môn.

33. Học cách sắp xếp hợp lý nội dung công việc cần làm trong ngày, phân chia việc nặng nhẹ rõ ràng, tránh lãng phí thời gian.
Kiên trì vài chuyện vặt vãnh là cuộc đầu tư tốt nhất cho bản thân trong năm 2020 - Ảnh 5.
06. Du lịch

34. Đi ra nước ngoài một lần.

35. Thử 100 loại món ăn khác nhau, đặc biệt là đặc sản địa phương.

36. Chụp lấy 2000 tấm ảnh du lịch.

37. Tự tay làm khoảng 20 tấm bưu thiếp.

38. Viết 5 bài review, chia sẻ lên trang cá nhân của mình.

39. Trải nghiệm khách sạn 5 sao, nhà dân....

40. Trải nghiệm thử một lần một quán ăn đạt sao Michelin

41. Đi ngắm chim hồng hạc, ngắm sao băng

42. Kết bạn với một vài người bạn trong hành trình du lịch.
Kiên trì vài chuyện vặt vãnh là cuộc đầu tư tốt nhất cho bản thân trong năm 2020 - Ảnh 6.
07. Cá nhân

43. Yêu thương bản thân, chăm chút vẻ ngoài hơn, thử vuốt tóc, trang điểm hay đeo kính áp tròng, nên nhớ rằng, tốt gỗ hơn tốt nước sơn, nhưng nước sơn có đẹp thì người ta mới tò mò muốn khám phá lớp gỗ bên trong.

44. Tham gia vào một lớp học nhiếp ảnh, lớp vẽ hay lớp ca múa đàn hát, lớp ngoại ngữ...

45. Tham gia một cuộc thi nào đó.

46. Làm một bản tổng kết năm cũ và lên kế hoạch cho năm mới.

47. Tham gia một sự kiện lớn.

48. Tham gia một khóa học thiền để "thanh lọc" bản thân, tĩnh tâm lại sau một khoảng thời gian dài sống trong vội vã và lo toan.

49. Khám sức khỏe định kì, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh.

50. Tập thể dục mỗi ngày.

51. Ngủ sớm thức sớm, bớt sống ảo, bớt lướt điện thoại trước khi đi ngủ, khống chế thể trọng trong một phạm vi nhất định.

52. Luôn vui vẻ, yêu đời, suy nghĩ tích cực. Tất nhiên, sống ở đời khó tránh khỏi những ngày tháng buồn bã, mệt mỏi, thất vọng, thậm chí là muốn buông xuôi, nhưng luôn nhớ rằng, sau cơn mưa trời sẽ lại sáng, chỉ cần bạn nhìn cuộc đời như một đóa hướng dương rực rỡ thì cuộc đời nhất định sẽ trả lại bạn ánh sáng chói chang.
READ MORE
Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2020
no image

Việc chính quyền Mỹ của Donald Trump quyết định không kích ám sát nhân vật được xem là quan trọng số hai của Iran khi năm 2020 mới bước qua được hai ngày là “món quà” đầu năm không ai muốn nhận.

Ngoại trừ, tất nhiên, những người thực hiện nó cùng những ai vẫn luôn hăm hở rằng chiến tranh và giết chóc là một trò chơi anh hùng và thú vị – thứ ảo tưởng sẽ được nuôi dưỡng mãi mãi trong đầu những người này, chừng nào chính họ vẫn chưa phải biến thành nạn nhân của nó.

Sự kiện này “hứa hẹn” sẽ lại thổi bùng lên lò lửa Trung Đông, vốn gần như chưa bao giờ ngừng cháy trong cả trăm năm qua.

Mọi sự chú ý bây giờ đều đổ dồn về phản ứng của Iran và hành động tiếp theo của Mỹ.

Nó khiến nhiều người quên rằng vụ ám sát trả đũa này, bắt nguồn từ việc tòa đại sứ Mỹ bị bao vây tấn công, vốn được cho là phản ứng giận dữ trước cuộc không kích chết người trước đó của Mỹ, mà cuộc không kích trên lại là hành động đáp trả các cuộc tấn công của một nhóm quân sự do Iran tài trợ, vốn trả đũa các cuộc không kích thường xuyên của Mỹ nhắm vào họ, còn người Mỹ thì cho rằng họ bị khiêu khích tấn công trước … tất cả các sự kiện leo thang ăn miếng trả miếng này đều không diễn ra trên đất Mỹ hay đất Iran.

Nó xảy ra trên lãnh thổ của Iraq.

Lò lửa Trung Đông. Ảnh: mapsof.net.
Người Iraq, chủ nhân sống hàng ngàn năm qua trên mảnh đất này, bỗng nhiên trở thành kẻ ngoài lề, thậm chí biến thành ruồi muỗi bay trối chết khi trâu bò ở đâu hăng tiết xông vào nhà mình húc nhau.

Họ như trở nên vô hình. Tiếng nói của họ như ve kêu, ai cũng nghe thấy nhưng không ai thèm im lặng lắng nghe. Sinh mạng của họ trở nên bèo bọt. Sẽ không bao nhiêu người nhớ, thậm chí biết được số lượng chính xác bao nhiêu người Iraq thiệt mạng vì cuộc chiến này. Càng ít người biết được tên tuổi những người xấu số đó. Còn số lượng cùng tên tuổi những người Mỹ, người Iran và người nước ngoài mất mạng lại trở thành các tin đầu đề sốt dẻo được quan tâm.

Những gì diễn ra trong suốt hai thập niên qua ở Iraq có lẽ là chuyện không tưởng, không chỉ với người ngoài, mà còn với chính bản thân người dân nước này.

Trước hai chục năm ác mộng này, chỉ mới hai thập niên trước đó, Iraq vẫn còn là “ông kẹ” trong khu vực Trung Đông, tranh giành ảnh hưởng ngang ngửa với Iran và Saudi Arabia, giằng co trong cuộc chiến gần 10 năm với Iran, xua quân xâm lược Kuwait, măm me sản xuất vũ khí hạt nhân …

Nếu bạn nghĩ sao mọi thứ có thể thay đổi chóng mặt vậy – chỉ trong có hai mươi năm? – bạn phải nghĩ lại.

Thay đổi này đến chỉ trong vỏn vẹn hai mươi ngày.

Đó là tính từ ngày 20/3/2003, khi liên quân do Mỹ dẫn đầu tuyên chiến và tiến hành không kích Iraq, đến ngày 9/4/2003, khi thủ đô Baghdad và chính quyền Saddam Hussein sụp đổ.

Sự sụp đổ này còn chóng vánh hơn cả cuộc chiến “chống khủng bố” trước đó mà Mỹ tiến hành tại Afghanistan vào năm 2001.

Khác với cuộc chiến tại Afghanistan, nơi liên quân do Mỹ đứng đầu “danh chính ngôn thuận” đánh lực lượng Taliban và Al-Qaeda để đáp trả vụ khủng bố 11/9 trên đất Mỹ, cuộc tấn công của Mỹ nhắm vào Iraq lại dựa trên cái cớ ngăn chặn “vũ khí giết người hàng loạt” (WMD – Weapons of mass destruction) của chính quyền Saddam Hussein.

Một cái cớ dựa trên các “bằng chứng” mà chính Colin Powell, Ngoại trưởng Mỹ vào thời điểm đó, chỉ sau một năm đã phải công khai thừa nhận rằng nó “hình như không có thật”.

Một cái cớ vô lý đến mức sau này những người ủng hộ cuộc chiến phải vất vả tìm đủ mọi lý do để biện hộ cho nó. Giống như việc mãi mười năm sau khi cuộc chiến bắt đầu, họ reo vui trước tin “cuối cùng đã tìm thấy vũ khí hóa học” – bất kể việc đó là những vũ khí mà (1) chính Iraq đã đồng ý để Liên Hiệp Quốc thanh tra tiêu hủy vào thập niên 1990 và (2) thất lạc trong các cuộc chiến trước đó tại Iraq.

Người Mỹ mang quân đến Iraq với những bằng chứng ngụy tạo. Ảnh: Anja Niedringhaus/AP.
Người Mỹ mang quân đến Iraq với những bằng chứng ngụy tạo. Ảnh: Anja Niedringhaus/AP.
Khi không thể tìm ra bằng chứng ủng hộ cho “chính nghĩa ban đầu”, họ lại sẵn sàng quay về ôm lấy “chính nghĩa vĩnh cửu”: lật đổ độc tài tất nhiên là chuyện tốt.

Như John Bolton, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, đồng thời là cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của chính quyền Trump, từng tuyên bố, rằng “cho dù có hay không có vũ khí giết người hàng loạt, Saddam Hussein vẫn là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của khu vực lẫn toàn cầu”.

Saddam Hussein có phải là kẻ độc tài hay không? Tất nhiên là có.

Chính quyền của Saddam Hussein có tất cả đặc điểm của một thực thể vừa độc tài vừa độc tâm.

Đó là chính quyền của một thiểu số những người hồi giáo Sunni thống trị đa số những người hồi giáo Shia (Shiite).

Đó là chính quyền mà những kẻ nắm quyền tự cho mình đặc quyền đặc lợi, sống trong những cung điện xa hoa, tiêu xài sung sướng trên mồ hôi nước mắt của người dân.

Đó là chính quyền thẳng tay đàn áp những người đối lập, thậm chí không gớm tay thảm sát hàng loạt dân thường chỉ vì dám trái ý mình.

Và đó là lý do mà chính quyền này đổ rạp còn nhanh hơn những quân cờ domino.

Những lời đạo lý bọc đường to tát, những tòa nhà nguy nga hoành tráng, những kho vũ khí chất chồng, những đội quân đánh thuê giết người không gớm tay, tất cả không đủ che lấp một sự thật: sự căm hận của người dân.

Khi liên quân nước ngoài xâm lược đất nước, vì những lý do hão huyền không có thực, người dân Iraq đã khoanh tay ngoảnh mặt trước lời kêu gọi “toàn quốc kháng chiến” của kẻ độc tài.

Họ còn chờ thời cơ để sẵn sàng trả thù những kẻ đã bức hại mình – không phải quân xâm lược từ nơi khác tới, mà chính là những kẻ cùng màu da cùng tiếng nói.

Iraq sụp đổ vì chính quyền Saddam Hussein từ lâu đã xem người dân là kẻ thù.

Giống như một cái cây to lớn nhưng bên trong ruột đã rỗng toác, bộ rễ đã mục ruỗng, chỉ cần một cơn gió nhẹ từ bên ngoài, toàn bộ đều bị bứng khỏi mặt đất.

Điều tệ hại nhất không phải là việc cái cây này đã bị hỏng.

Điều tệ nhất là cho tới tận thời khắc cuối cùng, cái cây mục nát này vẫn cứ hút sạch nước, vét sạch dưỡng chất trong đất, phình to nở rộng chiếm hết không gian, quyết tâm không để bất kỳ loại cây cối nào khác có thể tồn tại trên cùng mảnh đất này.

Chính vì vậy mà gần hai mươi năm sau khi cái cây thối ruỗng kia bị bứng, người Iraq vẫn ngụp chìm trong thảm cảnh.

Họ trở thành các quân cờ trong tay của những thế lực ngoại bang.

Người Mỹ cùng đồng minh xây dựng căn cứ, chiêu mộ các thế lực địa phương, tạo các đảng phái, nhưng quan trọng hơn cả là dựng bàn đạp để các công ty phương Tây nhảy vào chiếm miếng ăn trên các mỏ dầu khổng lồ tại đất nước này.

Họ xua quân đến, dựng nên chính phủ mới, bỏ đi khi đất nước vẫn chìm trong nội loạn, quay lại khi IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng) quá mạnh, lại bỏ đi tiếp khi người dân địa phương vẫn phải trốn chạy loạn lạc – tất nhiên chỉ giữ người ở lại canh chừng những mỏ dầu béo bở.

Nhóm bán vũ trang Asaib Ahl al-Haq do Iran hậu thuẫn diễu hành tại thủ đô Baghdad của Iraq, ngày 1/7/2016. Ảnh: AP.
Nhóm bán vũ trang Asaib Ahl al-Haq do Iran hậu thuẫn diễu hành tại thủ đô Baghdad của Iraq, ngày 1/7/2016. Ảnh: AP.
Người Iran trong khi đó cũng áp dụng đúng bài học “khuếch trương thế lực tại nước ngoài” mà người Mỹ đã luôn sành sỏi, biến Iraq trở thành một sân sau mới của mình.

Các tài liệu bí mật được cho là thông tin về hoạt động tình báo của Iran tại Iraq được The Intercept và New York Times công bố cho thấy, Iran đã cài cắm “người của mình” vào tất cả mạng lưới từ trên xuống dưới tại Iraq.

Họ thu phục hệ thống mạng lưới điệp viên địa phương mà người Mỹ đã tuyển mộ, đào tạo, sử dụng và sau đó bỏ rơi.

Họ ủng hộ các lực lượng chống đối Saddam Hussein ngày trước lên nắm quyền – những lực lượng này vốn dĩ chịu ơn Iran đã cưu mang đùm bọc trong thời kỳ Saddam còn gieo rắc khủng bố.

Họ gầy dựng các đội quân địa phương người Hồi giáo Shia (đa số người Iran cũng theo dòng Shia), đưa nó vào biên chế của chính quyền Iraq, trở thành lực lượng chính quy phụ thuộc vào mình.

Họ nắm trong tay tất cả các quan chức từ cấp cao đến cấp thấp của chính quyền Iraq, đảm bảo những người này nếu không thân Iran thì cũng có thể bị mua chuộc.

Người Iran áp dụng đúng những chiêu thức mà phương Tây sử dụng. Đó là những thứ họ học được khi Mỹ và phương Tây đã dùng trong các cuộc lật đổ chính quyền vào giữa thế kỷ 20. Ở đâu? Tại chính đất nước Iran.

Hệ quả là Iraq, cùng với đó là Syria, rồi Lebanon, Yemen … đều trở thành những chiến trường cho các cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa một bên là Iran, phần nào đó là Nga, và bên còn lại là Mỹ và đồng minh, trong đó có Saudi Arabia.

Saudi Arabia là một cái tên vĩnh viễn khiến cho tất cả các lý do chính nghĩa của người Mỹ cùng những ai ủng hộ họ đều trở thành trò cười trong mắt bất kỳ ai có lương tri.

Trong khi vẫn liên tục tuyên truyền Iran là một quốc gia khủng bố, là đầu sỏ của ma quỷ, thì các đời chính quyền Mỹ vẫn ôm chầm lấy đồng minh thân thiết Saudi Arabia, bất chấp quốc gia độc tài này có “thành tích” nhân quyền tồi tệ không kém gì Iran, nếu không muốn nói là hơn.

Thậm chí nhiều người Mỹ còn chẳng buồn thắc mắc tự hỏi, vì sao Iran “xấu” còn Saudi lại “tốt”?

Ngoại trừ việc một bên theo dòng Hồi giáo Shia, bên còn lại Sunni, điểm khác biệt quan trọng nhất giữa hai quốc gia này, trong mắt phương Tây, là một bên chịu nghe lời, và cho họ rất nhiều lời, bên kia thì không.

Cái khác biệt này quan trọng đến mức họ sẵn sàng xào nấu sự thật cho hợp với thứ trong đầu mình.

Như việc Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vừa đăng đàn khẳng định việc chống lại Iran là hợp đạo trời. Trong số các đạo trời đó, có cả việc Iran chịu trách nhiệm cho vụ khủng bố 11/9 trên đất Mỹ – một việc mà không có bất kỳ chuyên gia nào gật đầu, cũng không có bất kỳ bằng chứng nào cho tới nay xác nhận.

Ngược lại, tất cả những gì người ta biết đến nay là trong số 19 tên khủng bố trên đất Mỹ hôm đó, có 15 người đến từ Saudi Arabia. Và thậm chí trùm khủng bố Osama Bin Laden mà Mỹ quy trách nhiệm là chủ mưu vụ tấn công, cũng là người sinh ra và lớn lên tại Saudi Arabia.

Sự đan chéo nhập nhằng này tất nhiên không thể phủ nhận những việc tốt mà các nước này làm, như việc Mỹ và đồng minh cùng Iran và Nga bắt tay nhau để cùng tiêu diệt tổ chức khủng bố IS.

Nhưng nó chứng minh một thực tế phũ phàng: mọi quốc gia đều làm mọi thứ vì lợi ích của chính mình.

Hệ quả của nó? Một quốc gia nếu không thể chủ động bảo vệ lợi ích của họ, gần như chắc chắn, sẽ trở thành quân cờ phụ thuộc vào những quốc gia khác.

Đất nước họ sẽ trở thành bãi chiến trường để các thế lực khác quăng bom thả đạn chém giết nhau. Sinh mạng người dân của đất nước đó sẽ trở thành bèo dạt mây trôi, không ai đếm xỉa.

Người ta có thể tự huyễn hoặc, rằng chỉ cần xây dựng nền quốc phòng mạnh, mua nhiều vũ khí hiện đại là có thể bảo vệ được mình.

Iraq là một cái tát nhãn tiền vào mặt những ai vẫn tin vào ảo tưởng đó.

Thứ bảo vệ được một đất nước không phải là tiền, là súng đạn, hay bất kỳ thứ lý tưởng chủ nghĩa sách vở nào.

Thứ bảo vệ được một mảnh đất khỏi những kẻ xâm phạm, từ hàng trăm ngàn năm trước cho tới hàng ngàn năm sau, vẫn chỉ có một: con người.

Một đất nước chỉ phục vụ lợi ích của một đám nhỏ tham lam vô độ, nhỏ nhen tàn ác, không bao giờ có thể tự bảo vệ mình.

Một mảnh đất nơi những kẻ nắm quyền xem người dân là kẻ thù, phải bị kiểm soát, bị khống chế, bị đàn áp, bị bức hại, là một mảnh đất chết.

Trừ phi họ tự tát, hoặc bị tát vào mặt cho tỉnh.

nguồn
READ MORE
Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020
no image

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng chia sẻ đọc 500 trang sách mỗi ngày chính là một trong những chìa khóa dẫn tới thành công. "Đó là cách tri thức vận hành. Bạn có thể tích lũy kiến thức và hưởng lợi như lãi suất kép", ông giải thích.

Có lẽ đó là lý do tại sao nhiều doanh nhân nổi tiếng có thói quen đọc sách mỗi ngày. Bill Gates đọc 50 cuốn mỗi năm (tức gần 1 cuốn sách mỗi tuần) và năm 2015 Mark Zuckerberg đã đặt mục tiêu mỗi tuần phải hoàn thành 1 cuốn sách.

Nếu bạn muốn tiếp cận với những ý tưởng mới, các cách nghĩ mới và tích lũy kiến thức đa dạng trên mọi lĩnh vực, việc đọc là điều rất quan trọng. Riêng trong lĩnh vực kinh doanh, bạn có thể tìm thấy những bài học từ cả thành công và thất bại của các doanh nghiệp, từ 1 startup mới chỉ vài năm tuổi cho đến những công ty cả trăm năm tuổi hay thậm chí là có cả những bài học từ các trận chiến cổ xưa.

Tờ Business Insider thống kê danh sách những cuốn sách viết về kinh doanh có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay. Danh sách được đưa ra dựa trên ý kiến của nhiều doanh nhân và hãng truyền thông nổi tiếng.

1. "Business Adventures" (tạm dịch: Những cuộc phiêu lưu trên thương trường), tác giả John Brooks

Những cuốn sách viết về kinh doanh có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay, được Warren Buffett và Bill Gates khuyên đọc - Ảnh 1.
Đâu là điểm chung giữa thảm họa trị giá 350 triệu USD mang tên Edsel của Ford, sự trỗi dậy nhanh chóng đến khó tin của Xerox và những bê bối ở General Electric? Mỗi vụ đều là ví dụ cho thấy 1 công ty mang tính biểu tượng có thể được định hình chỉ bởi 1 khoảnh khắc đặc biệt như thế nào.

Bill Gates từng chia sẻ trên blog của ông rằng Warren Buffett không chỉ giới thiệu đây là cuốn sách kinh doanh ưa thích của ông mà còn gửi cả cho Gates bản sao riêng của ông. Gates viết: "Hơn 40 năm sau khi được xuất bản lần đầu tiên, "Business Adventures" vẫn là cuốn sách kinh doanh hay nhất mà ông từng đọc".

2. "The Intelligent Investor" (tạm dịch: Nhà đầu tư thông minh), tác giả Benjamin Graham

Những cuốn sách viết về kinh doanh có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay, được Warren Buffett và Bill Gates khuyên đọc - Ảnh 2.
Được coi là nhà tư vấn đầu tư vĩ đại nhất thế kỷ 20, Benjamin Graham đã truyền cảm hứng và đem đến nhiều bài học giá trị cho nhiều người trên khắp thế giới. Triết lý đầu tư giá trị của ông giúp bảo vệ các nhà đầu tư khỏi những sai lầm trọng yếu và dạy họ phát triển các chiến lược đầu tư dài hạn, khiến "Nhà đầu tư thông minh" được coi là kinh thánh trên TTCK kể từ khi xuất bản lần đầu tiên năm 1949.

Warren Buffett gọi đây là "cuốn sách về đầu tư hay nhất từng được viết ra".

3. "The Innovator's Dilemma: The Revolutionary Book That Will Change the Way You Do Business" (tạm dịch: Thế tiến thoái lưỡng nan của nhà sáng tạo), tác giả Clayton M. Christensen

Những cuốn sách viết về kinh doanh có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay, được Warren Buffett và Bill Gates khuyên đọc - Ảnh 3.
Viết về cả những thành công và thất bại của các công ty lớn, "The Innovator’s Dilemma" đem đến cho bạn một bộ quy tắc để có thể kiếm tiền từ những hiện tượng mà các sáng tạo mang tính đột phá gây ra.

Steve Jobs từng sử dụng cuốn sách này để giải thích về một trong những lý do khiến Apple cần phải theo đuổi mảng điện toán đám mây.

4. "The Outsiders: Eight Unconventional CEOs and Their Radically Rational Blueprint for Success" (tạm dịch: Người ngoài cuộc – 8 vị CEO phi truyền thống và kế hoạch thành công của họ), tác giả William N. Thorndike

Những cuốn sách viết về kinh doanh có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay, được Warren Buffett và Bill Gates khuyên đọc - Ảnh 4.
Điều gì làm nên 1 CEO thành công? Hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến định nghĩa quen thuộc: là 1 nhà quản lý dày dặn kinh nghiệm với sự am hiểu sâu sắc về ngành. Một số người thì chỉ ra những phẩm chất của các CEO nổi tiếng ngày nay: có sức hút, kỹ năng giao tiếp siêu đẳng và phong cách quản trị tự tin. Nhưng điều gì thực sự quan trọng khi bạn điều hành 1 tổ chức? Câu trả lời khá đơn giản và chân thực: những lợi ích mà các cổ đông của công ty đó có được trong dài hạn.

Đây là cuốn sách đứng số 1 trong danh sách các đầu sách mà Buffett khuyên các cổ đông của Berkshire Hathaway nên đọc trong lá thư gửi cho họ năm 2012.

5. "Factfulness: Ten Reasons We're Wrong About the World — and Why Things Are Better Than You Think" (tạm dịch: 10 lý do vì sao chúng ta đang hiểu lầm về thế giới và tại sao mọi thứ tốt đẹp hơn bạn nghĩ), tác giả Hans Rosling, Anna Rosling Rönnlund và Ola Rosling

Những cuốn sách viết về kinh doanh có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay, được Warren Buffett và Bill Gates khuyên đọc - Ảnh 5.
Khi được hỏi những câu hỏi rất đơn giản về thế giới - bao nhiêu phần trăm dân số thế giới đang sống trong nghèo đói, tại sao dân số thế giới đang tăng lên, có bao nhiêu bé gái hoàn thành chương trình học phổ thông – chúng ta đều đưa ra những câu trả lời sai 1 cách có hệ thống. Câu trả lời sai đến nỗi 1 con tinh tinh chọn lựa đáp án ngẫu nhiên cũng có thể dự đoán chính xác hơn cả các giáo viên, nhà báo, người từng đạt giải Nobel hay nhân viên ngân hàng đầu tư.

Cuốn sách đưa ra cách giải thích hoàn toàn mới mẻ và hợp lý về lý do tại sao điều trên lại diễn ra, chỉ rõ 10 thiên kiến đang bóp méo nhận thức của chúng ta – từ xu hướng phân chia thế giới thành 2 thái cực (gồm "chúng ta" và "họ") đến cách chúng ta tiếp nhận thông tin trên các phương tiện truyền thông (nơi nỗi sợ hãi thống trị) hay cách chúng ta tin rằng hầu hết mọi thứ đều đang có xu hướng xấu đi.

Bill Gates từng chọn cuốn sách này để tặng cho các sinh viên sắp tốt nghiệp. Theo ông, thế giới sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều nếu 1 triệu người đọc "Factfulness".

6. "Blue Ocean Strategy, Expanded Edition: How to Create Uncontested Market Space and Make the Competition Irrelevant" (Chiến lược đại dương xanh bản mở rộng), tác giả W. Chan Kim và Renée Mauborgne

Những cuốn sách viết về kinh doanh có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay, được Warren Buffett và Bill Gates khuyên đọc - Ảnh 6.
"Blue Ocean Strategy" cho rằng cuộc cạnh tranh khốc liệt, tàn sát lẫn nhau sẽ dẫn đến kết quả tồi tệ là 1 "đại dương đỏ nhuốm máu" mà trong đó các đối thủ đang tranh giành nhau trong 1 "cái bể lợi nhuận" đang chìm dần. Dựa vào nghiên cứu trên 150 động thái mang tính chiến lược của các công ty (trải dài trong khoảng thời gian hơn 100 năm, trên 30 ngành), các tác giả kết luận rằng thành công lâu dài không đến từ các cuộc cạnh tranh khốc liệt mà đến từ việc tạo ra những "đại dương xanh" – khám phá những thị trường mới mẻ để tạo ra tăng trưởng.

7. "How to Win Friends & Influence People" (tạm dịch: Làm thế nào để thêm bạn và ảnh hưởng đến người khác), tác giả Dale Carnegie

Những cuốn sách viết về kinh doanh có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay, được Warren Buffett và Bill Gates khuyên đọc - Ảnh 7.
Những lời khuyên đã được kiểm chứng qua thời gian của Dale Carnegie đã giúp vô số người từng bước leo lên các nấc thang của thành công không chỉ trong chuyện kinh doanh mà cả trong đời sống cá nhân.

Là một trong những cuốn sách mang tính đột phá và bán chạy nhất, phù hợp với mọi lứa tuổi, "How to Win Friends & Influence People" chỉ ra 6 cách khiến mọi người đều yêu thích bạn, 12 cách khiến người khác nghĩ theo cách của bạn, 9 cách để thay đổi người khác mà không gây ra căng thẳng và nhiều điều bổ ích khác.

8. "Bad Blood: Secrets and Lies in a Silicon Valley Startup" (tạm dịch: Máu bẩn), tác giả John Carreyrou

Những cuốn sách viết về kinh doanh có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay, được Warren Buffett và Bill Gates khuyên đọc - Ảnh 8.
Năm 2014, Elizabeth Holmes - nhà sáng lập kiêm CEO của Theranos – vẫn được coi là "Steve Jobs phiên bản nữ": bỏ dở sự nghiệp học hành tại Stanford để lập ra startup kỳ lân hứa hẹn sẽ tạo ra 1 cuộc cách mạng trong ngành dược phẩm với chiếc máy có thể xét nghiệm máu nhanh hơn, dễ dàng hơn rất nhiều so với hiện tại. Được hậu thuẫn bởi những nhà đầu tư như Larry Ellison và Tim Draper, Theranos đã bán cổ phần và huy động được số vốn "khủng" mà theo đó Theranos được định giá lên tới hơn 9 tỷ USD, giúp Holmes trở thành tỷ phú trên giấy với tài sản ước tính 4,7 tỷ USD. Nhưng có 1 vấn đề: công nghệ mà Holmes quảng cáo không hề hoạt động hiệu quả. Theranos trở thành ví dụ điển hình về những startup gian dối ở thung lũng Silicon.

9. The Art of War" (Binh pháp Tôn Tử)

Những cuốn sách viết về kinh doanh có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay, được Warren Buffett và Bill Gates khuyên đọc - Ảnh 9.
Dù được viết từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, đến tận ngày nay đây vẫn là cuốn sách thường xuyên được sử dụng để dạy về chiến thuật quân sự. Napoleon, Mao Trạch Đông, Đại Tướng Võ Nguyên Nguyên Giáp và Đại tướng Douglas MacArthur đều chia sẻ họ được truyền cảm hứng từ cuốn sách này.

Ngoài các vị tướng, nhiều bậc thầy về kinh doanh và quản lý cũng áp dụng những ý tưởng từ binh pháp Tôn Tử trong chiến lược của mình.

Tham khảo Business Insider

READ MORE