Michael Burry
Vào đầu năm 2004, một nhà đầu tư cổ phiếu khác, Michael Burry, đã lần đầu tiên lao vào thị trường trái phiếu. Anh học mọi thứ có thể về cách thức vay và cho vay ở Mỹ. Anh không nói với bất cứ ai về nỗi ám ảnh mới của mình; anh chỉ ngồi một mình trong văn phòng, ở San Jose, California, đọc sách báo cũng như các hồ sơ tài chính. Đặc biệt, anh muốn biết trái phiếu thế chấp dưới chuẩn hoạt động như thế nào. Các khoản vay cá nhân nhiều đến mức xếp chồng thành tháp. Các tầng trên cùng được nhận lại tiền đầu tiên và vì thế cũng nhận được xếp hạng cao nhất từ Moody’s và S&P cùng mức lãi suất thấp nhất. Các tầng thấp nhận lại tiền cuối cùng, gánh chịu những khoản lỗ đầu tiên, và bị Moody’s và S&P xếp hạng thấp nhất. Do phải chịu nhiều rủi ro hơn nên các nhà đầu tư ở các tầng đáy nhận được lãi suất cao hơn so với những nhà đầu tư ở các tầng trên. Các nhà đầu tư mua trái phiếu thế chấp phải quyết định nên đầu tư vào tầng tháp nào, nhưng Michael Burry không nghĩ về việc mua trái phiếu thế chấp. Anh đang tự hỏi làm thế nào để có thể bán khống được trái phiếu thế chấp dưới chuẩn. Mỗi trái phiếu thế chấp đều đi kèm với một bản cáo bạch 130 trang tẻ nhạt. Burry đã dành khoảng thời gian cuối năm 2004 và đầu năm 2005 để xem qua hàng trăm và đọc kỹ vài chục trang trong đó. Chắc chắn ngoài các luật sư soạn ra chúng thì anh là người duy nhất làm điều này. Anh đã giải thích trong một bức thư điện tử như sau: Lấy ví dụ về trường hợp của NovaStar, một nhà cho vay thế chấp dưới chuẩn kiểu khởi tạo và bán, một nguyên mẫu vào thời điểm đó. Những cái tên (trái phiếu) sẽ là NHEL 2004-1, NHEL 2004-2, NHEL 2004-3, NHEL 2005-1, v.v... Ví dụ, NHEL 2004-1 gồm các khoản vay từ các tháng đầu năm 2004 và vài tháng cuối năm 2003, 2004-2 sẽ là những khoản vay giữa năm, còn 2004- 3 là những khoản vay ở các tháng cuối năm 2004. Bạn có thể lấy những bản cáo bạch này ra, và nhanh chóng kiểm tra được nhịp độ của những gì đang diễn ra ở khu vực thế chấp dưới chuẩn trong ngành công nghiệp khởi tạo và bán. Vào đầu năm 2004, các ARM chỉ trả lãi 2/28 chỉ chiếm 5,85% rổ, nhưng đến cuối năm 2004, chúng chiếm đến 17,48% rổ, và cuối mùa hè năm 2005 là 25,34%. Thế nhưng, điểm [tín dụng tiêu dùng] FICO trung bình cho rổ đó, tỷ lệ phần trăm của khoản vay không giấy tờ trên giá trị tài sản thế chấp và một số chỉ số khác lại gần như không đổi… Vấn đề là mặc dù chúng có thể không thay đổi, nhưng rổ thế chấp tổng thể màđang được ban hành, đóng gói và bán ra ngày càng trở nên tồi tệ về chất lượng, bởi với cùng số điểm FICO trung bình hoặc cùng một tỷ lệ vay trên giá trị tài sản thế chấp, bạn ngày càng nhận được tỉ lệ phần trăm các thế chấp chỉ trả lãi cao hơn. Vào đầu năm 2004, nếu nhìn vào các con số, bạn có thể thấy rõ sự suy giảm ở các tiêu chuẩn cho vay. Theo Burry, các tiêu chuẩn không chỉ giảm mà còn chạm đáy. Đáy này thậm chí có cả tên: thế chấp dưới chuẩn lãi suất thả nổi trả dần âm chỉ trả lãi. Bạn, người mua nhà, thực sự có thể không cần trả một xu nào, và dồn lãi vay bạn nợ ngân hàng vào số dư vốn gốc. Không khó để nhận ra kiểu người thích những khoản vay như vậy: người không có thu nhập. Nhưng Burry không thể hiểu tại sao người cho vay lại muốn mở rộng những khoản cho vay như vậy. “Bạn cần phải nhìn người cho vay, chứ không phải người đi vay,” anh nói. “Những người đi vay luôn sẵn sàng vay một khoản lớn. Chính những người cho vay mới là người đưa ra các giới hạn, và khi họ bỏ qua nó, hãy coi chừng.” Đến năm 2003, anh biết rằng những người đi vay đã bỏ qua nó. Đến đầu năm 2005, anh thấy rằng những người cho vay cũng đã làm điều tương tự. Nhiều nhà quản lý quỹ phòng hộ đã dành thời gian tán gẫu với các nhà đầu tư và coi những lá thư hàng quý của họ như một nghi thức. Burry không thích nói chuyện trực tiếp với mọi người và nghĩ những lá thư này là điều quan trọng duy nhất anh làm để cho các nhà đầu tư biết được dự định của anh. Trong các lá thư hàng quý, anh đặt ra một cụm từ mới để miêu tả những gì anh nghĩ sắp xảy ra: “mở rộng tín dụng bằng công cụ.” Nó có nghĩa là rất nhiều người thực ra không đủ khả năng để trả các khoản thế chấp của họ theo lối cũ, vì thế những người cho vay đang tưởng tượng ra những công cụ mới mà có thể hợp lý hóa việc tiếp tục cho những người này vay tiền. “Đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy người cho vay đã bỏ qua giới hạn, liên tục làm giảm các tiêu chuẩn của chính họ nhằm gia tăng lượng cho vay,” Burry nói. Anh có thể hiểu tại sao họ làm điều này: Họ không giữ các khoản vay mà bán chúng cho Goldman Sachs, Morgan Stanley, Wells Fargo và những công ty khác. Những công ty này sẽ đóng gói chúng thành trái phiếu và bán . Anh cho rằng, người mua cuối cùng các khoản thế chấp dưới chuẩn chỉ là những “đồng tiền ngu ngốc”. Anh sẽ tìm hiểu về họ, nhưng là sau này. Hiện anh gặp phải một vấn đề về đầu tư chiến thuật. Các tầng hay các tranche khác nhau của những trái phiếu thế chấp dưới chuẩn đều có một điểm chung: Trái phiếu không thể bán khống. Để bán khống một cổ phiếu hoặc trái phiếu, bạn cần phải vay nó, nhưng những tranche này rất nhỏ và khó tìm. Bạn có thể mua hoặc không mua chúng, nhưng bạn không thể đặt cược chống lại chúng một cách rõ ràng; thị trường thế chấp dưới chuẩn đơn giản là không có chỗ cho những người có cái nhìn mập mờ về chúng. Bạn có thể biết chắc rằng thị trường trái phiếu thế chấp dưới chuẩn sẽ sụp đổ, nhưng bạn sẽ chẳng thể tận dụng được gì từ việc đó. Bạn khôngthể bán khống những căn nhà. Bạn chỉ có thể bán khống cổ phiếu của những công ty xây dựng nhà ở – Pulte Homes, hoặc Toll Brothers – nhưng có giá rất đắt, mang tính gián tiếp và rủi ro cao. Giá cổ phiếu có thể tăng trong khoảng thời gian lâu hơn nhiều khoảng thời gian mà Burry có thể duy trì khả năng thanh toán. Một vài năm trước đó, anh đã phát hiện ra hợp đồng hoán đổi nợ xấu. Một hợp đồng hoán đổi nợ xấu khó hiểu chủ yếu bởi thật ra không hề có sự hoán đổi nào hết. Đó là một chính sách bảo hiểm, chủ yếu liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, trong đó các khoản phí bảo hiểm được thanh toán nửa năm một lần và thời hạn cố định. Ví dụ, bạn có thể trả 200.000 đô-la/năm để mua một hợp đồng hoán đổi nợ xấu có thời hạn 10 năm cho 100 triệu đô-la trái phiếu General Electric. Khoản tiền tối đa bạn có thể mất là 2 triệu đô-la: 200.000 đô-la/năm trong 10 năm. Khoản tiền tối đa bạn có thể nhận được là 100 triệu đô-la, nếu General Electric vỡ nợ vào bất cứ thời điểm nào trong 10 năm đó và những người giữ trái phiếu của công ty không nhận lại được gì. Đây là một vụ đánh cược có tổng bằng 0: Nếu bạn kiếm được 100 triệu đô-la, người đã bán cho bạn hợp đồng hoán đổi nợ xấu sẽ mất 100 triệu đô-la. Đây cũng là một cuộc đánh cược bất đối xứng, giống như việc bạn đặt tiền vào một con số nào đó trong trò Rulet. Khoản tiền tối đa bạn có thể mất là những chip bạn đặt trên bàn, nhưng nếu bạn thắng cược, bạn sẽ nhận được gấp 30, 40, thậm chí 50 lần số tiền đã cược. “Hợp đồng hoán đổi nợ xấu giúp tôi khắc phục vấn đề rủi ro vô hạn,” Burry nói. “Nếu tôi mua một hợp đồng hoán đổi nợ xấu, phần lỗ của tôi đã được xác định và chắc chắn, trong khi phần lời lại lớn gấp bội.” Anh bước chân vào thị trường các hợp đồng hoán đổi nợ xấu doanh nghiệp. Vào năm 2004, anh bắt đầu mua bảo hiểm cho các công ty mà theo anh có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn từ cuộc suy thoái bất động sản: những công ty cho vay thế chấp, những công ty bảo hiểm thế chấp, v.v... Việc này cũng không vừa ý hoàn toàn. Một cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản có thể khiến các công ty này mất nhiều tiền của; nhưng không có gì đảm bảo rằng họ sẽ thực sự bị phá sản. Anh muốn có một công cụ trực tiếp hơn để đánh cược chống lại hoạt động cho vay thế chấp dưới chuẩn. Vào ngày 19 tháng 3 năm 2005, khi ngồi một mình trong văn phòng, đọc một cuốn giáo trình sâu sắc về phái sinh tín dụng, Michael Burry nảy ra một ý tưởng: các hợp đồng hoán đổi nợ xấu cho các trái phiếu thế chấp dưới chuẩn. Ý tưởng này xuất hiện khi anh đọc một cuốn sách về sự phát triển của thị trường trái phiếu Mỹ và sự hình thành của các hợp đồng hoán đổi nợ xấu doanh nghiệp đầu tiên ở J.P. Morgan vào giữa những năm 1990. Anh đọc đến đoạn giải thích tại sao các ngân hàng cảm thấy họ thật sự cần các hợp đồng hoán đổi nợ xấu. Điều này không rõ ràng ngay lập tức – suy cho cùng, cách tốt nhất để tránh rủi ro của việc General Electric vỡ nợ là ngay từ đầu không cho GeneralElectric vay tiền. Ban đầu, các hợp đồng hoán đổi nợ xấu là một công cụ để phòng ngừa rủi ro: Một số ngân hàng đã cho General Electric vay nhiều hơn mức họ muốn theo yêu cầu của GE, và họ sợ khiến khách hàng lâu dài này phật lòng; một ngân hàng khác đã thay đổi suy nghĩ về sự khôn ngoan khi cho GE vay vốn. Tuy nhiên, những sản phẩm phái sinh tín dụng mới này đã nhanh chóng trở thành các công cụ đầu cơ: Rất nhiều người muốn đặt cược vào khả năng vỡ nợ của GE. Điều này đã khiến Burry bừng tỉnh: Phố Wall chắc chắn sẽ làm điều tương tự với các trái phiếu thế chấp dưới chuẩn. Dựa trên những gì đang xảy ra trong thị trường bất động sản – và những gì các nhà cho vay thế chấp dưới chuẩn đang làm – rất nhiều người thông minh cuối cùng sẽ muốn đặt cược vào trái phiếu thế chấp dưới chuẩn. Và cách duy nhất để làm điều đó là mua hợp đồng hoán đổi nợ xấu. Hợp đồng hoán đổi nợ xấu sẽ giải quyết vấn đề lớn nhất duy nhất bằng ý tưởng tuyệt vời của Mike Burry: thời điểm. Anh cảm thấy các khoản vay thế chấp dưới chuẩn được thực hiện vào đầu năm 2005 gần như chắc chắn sẽ trở thành nợ xấu. Nhưng do lãi suất của chúng được đặt cố định ở mức thấp trong 2 năm đầu nên phải sau 2 năm thì điều đó xảy ra. Các thế chấp dưới chuẩn gần như luôn phải chịu lãi suất thả nổi, nhưng hầu hết chúng lại xuất hiện dưới dạng lãi suất “trêu tức” với hai năm đầu ở mức cố định. Một thế chấp được tạo ra vào đầu năm 2005 có thể có lãi suất “cố định” hai năm đầu là 6%, nhưng đến năm 2007, lãi suất này có thể nhảy lên 11% và kích thích làn sóng vỡ nợ. Âm thanh tích tắc mờ nhạt của các khoản vay này lớn dần theo thời gian, cho đến khi nhiều người sẽ nghi ngờ, như anh đã nghi ngờ, rằng chúng là những quả bom. Một khi điều này xảy ra, sẽ không còn ai sẵn sàng bán bảo hiểm cho các trái phiếu thế chấp dưới chuẩn nữa. Anh cần phải đặt chip của mình lên mặt bàn ngay bây giờ rồi chờ sòng bạc tỉnh lại và thay đổi tỉ lệ cược của trò chơi. Một hợp đồng hoán đổi nợ xấu cho trái phiếu thế chấp dưới chuẩn 30 năm, xét về lý thuyết, chính là một vụ đặt cược được thiết kế để kéo dài trong 30 năm. Anh đã chỉ ra rằng thực tế chỉ cần 3 năm để trả hết nó. Vấn đề duy nhất đó là không có cái gì được gọi là hợp đồng hoán đổi nợ xấu cho các trái phiếu thế chấp dưới chuẩn, không phải cái mà anh có thể thấy. Anh cần phải thúc ép các công ty lớn ở Phố Wall tạo ra chúng. Nhưng là các công ty nào? Nếu anh đúng và thị trường nhà đất sụp đổ, thì những công ty ở tâm của thị trường chắc chắn sẽ mất rất nhiều tiền. Việc mua bảo hiểm từ một ngân hàng sẽ thoát khỏi ngành đúng lúc bảo hiểm có giá trị cũng chả có ý nghĩa gì. Anh thậm chí không buồn kêu gọi Bear Stearns và Lehman Brothers bởi họ dính líu nhiều đến thị trường trái phiếu thế chấp hơn bất cứ công ty nào khác. Theo anh, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Deutsche Bank, Bank of American, UBS, Merrill Lynch và Citigroup có khả năng sống sót qua cuộc sụp đổ này nhiều nhất. Anh gọi cho tất cả họ. 5 trong số các công ty này khôngbiết anh đang nói về điều gì; 2 trong số đó quay trở lại và nói, điều đó có thể diễn ra vào một ngày nào đó khi thị trường không tồn tại. Trong 3 năm, các hợp đồng hoán đổi nợ xấu cho trái phiếu thế chấp dưới chuẩn sẽ trở thành thị trường hàng nghìn tỉ đô-la và sẽ tạo ra những khoản lỗ trị giá hàng trăm tỉ đô-la bên trong các công ty lớn ở Phố Wall. Tuy nhiên, khi Michael Burry làm phiền các công ty này vào đầu năm 2005, chỉ có Deutsche Bank và Goldman Sachs thực sự quan tâm đến cuộc nói chuyện. Còn không ai ở Phố Wall, theo như anh biết, nhìn thấy những gì anh đang thấy. Từ khi còn học tiểu học, khi cha anh chỉ cho anh thấy các bảng chứng khoán ở mặt sau của tờ báo và nói với anh rằng thị trường cổ phiếu là nơi dối trá và không bao giờ đáng tin, chứ đừng nói đến việc đầu tư vào đó, thì chủ đề này đã cuốn hút anh. Ngay từ lúc đó, anh đã muốn áp đặt logic vào thế giới của những con số này. Anh bắt đầu coi việc đọc về thị trường cổ phiếu là một sở thích. Anh không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng không hề có logic nào tồn tại trong các bảng, đồ thị, các đợt sóng hay trong các cuộc trò chuyện bất tận của những tay tự cho mình là chuyên gia về thị trường. Sau đó bong bóng dot-com xảy ra và đột nhiên toàn bộ thị trường cổ phiếu trở nên vô lý đến tột độ. “Vào cuối những năm 1990, tôi gần như đã buộc phải tự cho mình là một nhà đầu tư giá trị, bởi tôi nghĩ những thứ mọi người đang làm thật điên rồ,” anh nói. Nhờ có Benjamin Graham, “đầu tư giá trị” được chính thức công nhận là một cách tiếp cận thị trường tài chính trong suốt thời kỳ Đại Suy Thoái. Nó đòi hỏi một cuộc tìm kiếm không mệt mỏi các công ty đã lỗi thời hoặc bị hiểu nhầm rằng chúng có thể được mua với giá thấp hơn giá trị thanh lý của chúng. Ở dạng thức đơn giản nhất, đầu tư giá trị là một công thức, nhưng nó đã biến thành những thứ khác – một trong số đó là bất cứ điều gì mà Warren Buffett, học trò của Benjamin Graham, nhà đầu tư giá trị nổi tiếng nhất, đã tình cờ làm với đồng tiền của mình. Burry không nghĩ rằng đầu tư có thể được rút gọn thành một công thức hay được học hỏi từ bất cứ mô hình hình mẫu nào. Anh càng tìm hiểu về Buffett, anh càng không thể nghĩ rằng có thể sao chép được Buffett; quả thật vậy, Buffett dạy bạn rằng: Để thành công một cách ngoạn mục, bạn phải bất thường một cách ngoạn mục. “Nếu bạn định trở thành một nhà đầu tư vĩ đại, bạn phải tạo ra một phong cách hợp với bản thân mình,” Burry nói. “Có lúc, tôi nhận thấy rằng Warren Buffett, dù có được mọi lợi thế trong việc học hỏi Ben Graham, nhưng ông không hề sao chép Ben Graham, mà thay vào đó đặt ra con đường cho riêng mình, quản lý đồng tiền theo cách của mình, bằng các quy tắc riêng… Tôi cũng ngay lập tức tiếp thu ý kiến cho rằng không trường học nào có thể dạy ai đó cách trở thành nhà đầu tư vĩ đại. Nếu có, chắc chắn đó sẽ là ngôi trường nổi tiếng nhất thế giới, với học phí cao đến mức không tưởng. Vì thế, chắc chắn là không có.”Đầu tư là việc bạn phải học cách tự thực hiện, theo một cách kỳ lạ của riêng bạn. Burry không có tiền để đầu tư, nhưng anh vẫn mang theo nỗi ám ảnh này trong suốt những năm tháng học trung học, cao đẳng rồi đại học y khoa. Anh vào làm ở Bệnh viện Stanford mà không tham gia bất cứ lớp học tài chính hay kế toán nào, chứ đừng nói đến việc làm việc cho bất kỳ một công ty Phố Wall nào. Anh có khoảng 40.000 đô-la tiền mặt, nợ các khoản vay sinh viên khoảng 145.000 đô-la. Anh là bác sỹ thực tập trong 4 năm qua. Tuy nhiên, anh đã tìm được thời điểm để trở thành một chuyên gia tài chính. Vào một đêm muộn tháng 11 năm 1996, khi thay ca ở khoa Tim, bệnh viện St. Thomas, ở Nashville, Tennessee, anh đã đăng nhập vào một máy tính của bệnh viện để tiếp cận bảng thông báo mang tên techstocks.com. Anh đã tạo ra một chủ đề có tên là đầu tư giá trị ở đây. Sau khi đọc xong mọi thứ về đầu tư có trên này, anh quyết định tìm hiểu thêm về “đầu tư thực.” Hội chứng cuồng cổ phiếu Internet đang thống lĩnh thị trường. Một trang web dành cho các nhà đầu tư ở thung lũng Silicon vào khoảng năm 1996 không phải là một ngôi nhà tự nhiên dành cho các nhà đầu tư giá trị nghiêm túc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tham gia và đưa ra mọi ý kiến về chủ đề. Một vài người phàn nàn về việc một bác sĩ thì biết gì về đầu tư, nhưng dần dần, anh đã làm chủ được cuộc thảo luận. Tiến sĩ Mike Burry – như anh luôn tự nhận – cảm nhận rằng những người khác tham gia chủ đề đang nghe theo lời khuyên của anh và kiếm tiền từ đó. Khi nhận ra không còn gì để học hỏi từ mọi người trên diễn đàn, anh đã bỏ nó để tạo ra thứ sau này được gọi là blog nhưng ở thời điểm đó chỉ là một dạng giao tiếp kỳ lạ. Anh làm ca 16 tiếng tại bệnh viện, chỉ viết blog từ nửa đêm đến 3 giờ sáng. Trong blog, anh đăng các giao dịch thị trường cổ phiếu của mình cũng như các lập luận về việc thực hiện các giao dịch đó. Mọi người đã tìm thấy anh. Như một quản lý tài chính tại một quỹ giá trị lớn ở Philadelphia chia sẻ, “Điều đầu tiên tôi tự hỏi là, Anh ta làm điều này lúc nào? Anh chàng này là bác sỹ thực tập. Tôi chỉ thấy phần thời gian không liên quan đến y khoa của anh ấy, nó thật tuyệt vời. Anh ấy đang cho mọi người xem các giao dịch của mình. Và mọi người làm theo nó ở ngoài đời thực. Anh ấy đang đầu tư giá trị – ở trung tâm của bong bóng dot-com. Anh ấy đang mua các cổ phiếu giá trị, đó là những gì chúng tôi đang làm. Nhưng chúng tôi đang đánh mất tiền. Chúng tôi đang đánh mất khách hàng. Đột nhiên, anh ấy đi theo vết rách này. Anh ấy tăng 50%. Điều đó thật kỳ lạ. Anh ấy thật kỳ lạ. Và chúng tôi không phải là những người duy nhất dõi theo nó.” Mike Burry không thể biết chính xác ai đang theo dõi các động thái tài chính của mình, nhưng anh có thể nói họ đến từ lĩnh vực nào. Ban đầu, các độc giả của anh đến từ EarthLink và AOL. Chỉ là những cá nhân ngẫu nhiên. Tuy nhiên, ngay sau đó không còn như vậy nữa. Những ngườighé thăm trang của anh đến từ các quỹ tương hỗ như Fidelity và các ngân hàng đầu tư lớn ở Phố Wall như Morgan Stanley. Một ngày nọ, anh tấn công vào các quỹ chỉ số của Vanguard và gần như ngay lập tức nhận được yêu cầu chấm dứt từ các luật sư của Vanguard. Burry ngờ rằng các nhà đầu tư nghiêm túc có thể đang làm theo các bài đăng trên blog của anh, nhưng anh không thể biết họ là ai. “Thị trường đã tìm thấy anh ấy,” người quản lý quỹ tương hỗ ở Philadelphia nói. “Anh ấy phát hiện ra những khuôn mẫu mà không ai nhìn thấy.” Khi Burry chuyển đến bệnh viện Stanford vào năm 1998 ở vị trí bác sĩ nội trú làm việc tại khoa thần kinh học, công việc anh làm từ nửa đêm đến 3 giờ sáng đã tạo nên một trung tâm nhỏ nhưng đầy ý nghĩa trong vùng đất đầu tư giá trị. Đến thời điểm này, cơn sốt cổ phiếu Internet đã hoàn toàn mất kiểm soát và lây lan sang cả cộng đồng y khoa Đại học Stanford. “Những bác sĩ nội trú nói riêng, và một vài người ở bộ phận khác, đã bị cuốn vào cơn sốt dot-com,” Burry nói. “Một thiểu số những con người lịch sự trong số họ đang mua và thảo luận về mọi thứ. Tôi chỉ im lặng, bởi tôi không muốn bất cứ ai biết tôi đang làm gì ngoài giờ. Tôi nghĩ mình có thể gặp rắc rối lớn nếu các bác sĩ ở đó biết tôi không toàn tâm toàn ý với y khoa.” Những người lo lắng về việc phải gắn bó với ngành y có thể không toàn tâm toàn ý với nó. Càng đi sâu vào sự nghiệp y khoa, Burry càng cảm thấy bối rối với các vấn đề về giao tiếp giữa anh và những người khác. Anh cố gắng trong một thời gian ngắn, náu mình ở khoa nghiên cứu bệnh lý, nơi mọi người rất kiệm lời, nhưng vẫn không hiệu quả. Anh trở lại San Jose, chôn cất cha mình, tái hôn và bị các chuyên gia chuẩn đoán sai là một người lưỡng cực khi anh đóng cửa trang web của mình, đồng thời thông báo rằng anh sẽ từ bỏ thần kinh học để trở thành nhà quản lý tiền tệ. Trưởng khoa Thần Kinh học của Bệnh viện Stanford nghĩ anh mất trí và khuyên anh nên dành một năm để nghĩ kĩ hơn, nhưng anh đã nghĩ rất kĩ rồi. Anh nói, “Tôi thấy thật hấp dẫn và có vẻ là lựa chọn đúng đắn,” anh nói, “khi nghĩ rằng nếu tôi có thể điều hành một danh mục đầu tư tốt, thì tôi có thể thành công trong cuộc sống, và rằng nó không quan tâm tôi bị coi là kiểu người gì, mặc dù sâu bên trong tôi cảm thấy tôi là một người tốt.” Tài sản 40.000 đô-la so với 145.000 đô-la tiền nợ các khoản vay sinh viên của anh đã dấy lên một câu hỏi rằng chính xác anh sẽ quản lý danh mục đầu tư nào. Bố anh mất sau một chẩn đoán nhầm khác: Một bác sĩ đã không thể phát hiện ra khối ung thư trên phim chụp X-quang, và gia đình anh đã nhận được một khoản tiền bồi thường nhỏ. Người cha không ủng hộ anh bước chân vào thị trường chứng khoán, nhưng tiền bồi thường cho cái chết của ông đã giúp con trai mình làm được điều đó. Mẹ anh góp 20.000 đô-la, 3 anh em anh góp mỗi người 10.000 đô-la. Với số vốn đó, Tiến sĩ Michael Burry đã mở Quỹ Scion. (Từ khi còn là một cậu bé, anh đã thích cuốn sách The Scions of Shannara.) Anh thảo ra một bản thông báo rất long trọngđể thu hút nhà đầu tư bên ngoài. Bản thông báo có ghi: “Các nhà đầu tư có thể đóng góp tối thiểu là 15 triệu đô-la.” Điều này rất thú vị, bởi nó loại trừ không chỉ anh mà cả những người anh đã từng biết qua. Khi đang xoay xở tìm địa điểm đặt văn phòng, mua đồ nội thất, và mở tài khoản môi giới, anh nhận được 2 cuộc điện thoại bất ngờ. Đầu tiên là từ một quỹ đầu tư lớn ở New York, Gotham Capital. Gotham được một bậc thầy về đầu tư giá trị có tên là Joel Greenblatt thành lập. Burry đã từng đọc cuốn sách của Greenblatt mang tên You Can Be a Stock Market Genius (tạm dịch: Bạn có thể trở thành thiên tài trong thị trường chứng khoán). (“Tôi ghét tiêu đề sách nhưng rất thích nội dung cuốn sách này.”) Nhân viên của Greenblatt nói với anh rằng thi thoảng, họ kiếm được tiền từ các ý tưởng của anh và muốn tiếp tục làm điều đó – Liệu Mike Burry có cân nhắc để Gotham đầu tư vào quỹ của anh? “Đích thân Joel Greenblatt gọi và nói, ‘Tôi đợi anh bỏ nghề y lâu rồi.’” Gotham mời Burry và vợ anh đến New York – và đó là lần đầu tiên Michael Burry được ngồi máy bay tới New York ở ghế hạng thương gia – và đón anh đến ở khách sạn Intercontinental. Trên đường đến gặp Greenblatt, Burry bồn chồn, phát điên vì lo lắng, thứ cảm xúc vốn luôn cản trở anh trước các cuộc gặp trực tiếp với mọi người. Anh cảm thấy dễ chịu hơn chút khi biết người ở Gotham đã đọc khá nhiều những gì anh viết. “Nếu anh đọc những gì tôi viết trước, và sau đó gặp tôi, thì cuộc gặp sẽ diễn ra tốt đẹp,” anh nói. “Những người gặp tôi mà chưa đọc những gì tôi viết – thì cuộc gặp sẽ không bao giờ suôn sẻ. Ngay ở trường trung học cũng vậy – thậm chí với cả các giáo viên.” Anh đang trải qua một cuộc khảo sát mù: Bạn phải quyết định xem liệu bạn có tán thành với anh ta không trước khi bạn gặp anh ta. Trong trường hợp này, anh gặp phải một bất lợi nghiêm trọng, bởi anh không biết các nhà quản lý tiền tệ thành công này ăn mặc thế nào. “Anh ấy gọi cho tôi vào ngày trước cuộc gặp mặt,” một trong những người bạn qua e-mail của anh nói, người vốn là một nhà quản lý tiền tệ chuyên nghiệp. “Và anh ấy hỏi, ‘Tôi nên ăn vận như thế nào?’ Anh ấy thậm chí còn không có cà vạt. Anh ấy có một chiếc áo khoác thể thao màu xanh, chuyên để tham dự tang lễ.” Đây cũng là một tật khác của Mike Burry. Trong các bài viết, anh thể hiện mình rất trang trọng, thậm chí có phần cứng nhắc, nhưng anh lại ăn vận rất suồng sã. Trên đường đi bộ tới văn phòng của Gotham, anh vội vàng ghé vào một cửa hàng Tie Rack và mua tạm một chiếc cà vạt. Anh đến công ty quản lý tài chính lớn của New York với trang phục trang trọng nhất từ trước tới nay chỉ để thấy rằng những người tiếp đón anh mặc mỗi áo phông và quần thể thao. Cuộc trao đổi sau cũng có vẻ giống kiểu như vậy.“Chúng tôi sẽ đầu tư cho anh 1 triệu đô-la.” “Hả?” “Chúng tôi muốn mua 1/4 quỹ phòng hộ mới của anh với giá 1 triệu đô-la.” “Ông nói thật chứ?” “Thật. Chúng tôi đang đưa ra đề nghị 1 triệu đô-la.” “Sau thuế!” Bằng cách nào đó, Burry đã nghĩ rằng một ngày nào đó anh muốn quỹ có giá trị 1 triệu đô-la, sau thuế. Dù sao đi nữa, anh cũng đã vừa mới thốt lên điều đó trước khi anh kịp hiểu họ đang theo đuổi điều gì. Và họ đã đồng ý thỏa thuận! Ở thời điểm đó, dựa vào những gì anh viết trên blog, thì anh, từ một sinh viên y khoa nợ nần với tài sản âm 105.000 đô-la, đã trở thành một triệu phú với vài khoản nợ nhỏ. Burry không biết đó là lần đầu tiên Joel Greenblatt làm một điều như vậy. “Anh ta rõ ràng một chàng trai tài giỏi và không có nhiều người như vậy,” Greenblatt nói. Một thời gian ngắn sau cuộc gặp gỡ kỳ lạ, anh nhận được cuộc gọi từ công ty bảo hiểm White Mountains. White Mountains được điều hành bởi Jack Byrne, một thành viên trong vòng tròn nội bộ của Warren Buffett, và họ đã từng nói chuyện với Gotham Capital. “Chúng tôi không biết anh đang bán một phần công ty của anh,” họ nói – và Burry giải thích rằng anh cũng không nhận ra điều đó cho đến tận một vài ngày trước đây, khi có người đưa ra đề nghị 1 triệu đô-la sau thuế để mua nó. Hóa ra White Mountains cũng quan sát Michael Burry rất kỹ. “Điểm hấp dẫn nhất đối với chúng tôi đó là anh ta là một bác sĩ nội trú thần kinh,” Kip Oberting đã nói tại White Mountains. “Anh ta làm điều chết tiệt đó khi nào?” Anh nhận được 600.000 đô-la từ White Mountains để đổi lấy một phần nhỏ hơn trong quỹ của anh ấy, cộng thêm một lời hứa sẽ đầu tư thêm 10 triệu đô-la. Oberting nói, “Đúng vậy, anh ấy là người duy nhất chúng tôi tìm thấy trên Internet, gọi điện và đầu tư tiền.” Trong năm đầu tiên kinh doanh, tiến sĩ Mike Burry đã phải vật lộn trong một thời gian ngắn với khía cạnh xã hội của hoạt động quản lý tiền. “Nhìn chung, bạn sẽ không thể gọi được vốn trừ khi bạn giao tiếp giỏi,” anh nói, “và nhìn chung, tôi là người không muốn tiếp xúc với nhiều người. Những người làm với tôi nhìn chung cũng nhận thấy điều đó.” Anh đến dự một hội nghị do Bank of American tổ chức để giới thiệu các nhà quản lý quỹ mới với các nhà đầu tư giàu có, và những người tham dự cũng đều nhận ra điều đó. Anh đưa ra một bài phát biểu trong đó lậpluận rằng cách họ đánh giá rủi ro rất ngớ ngẩn. Họ đo lường rủi ro bằng biến động: cổ phiếu hoặc trái phiếu lên xuống như thế nào trong những năm vừa qua. Rủi ro thực sự không phải là biến động; rủi ro thực sự chính là các quyết định đầu tư ngu xuẩn. Sau đó, anh kết luận, “rốt cuộc, người giàu nhất trong những người giàu và những người đại diện cho họ đã chấp nhận rằng hầu hết các nhà quản lý chỉ ở mức trung bình, còn những người giỏi hơn có thể đạt được lợi tức trung bình với mức biến động dưới trung bình. Theo logic này, 1 đô-la có giá 50 xu ngày hôm nay, 60 xu ngày tiếp theo và 40 xu ngày tiếp theo nữa, bằng cách nào đó, sẽ có giá trị thấp hơn 1 đô-la có giá 50 xu trong cả 3 ngày. Tôi lại cho rằng khả năng mua được ở mức giá 40 xu là một cơ hội, chứ không phải rủi ro, và đồng đô-la đó vẫn có giá trị là 1 đô-la.” Tất cả mọi người đều im lặng và bữa trưa đó, anh ăn một mình. Anh ngồi ở một chiếc bàn tròn rất lớn và quan sát mọi người trò chuyện vui vẻ ở các bàn xung quanh. Khi anh nói chuyện trực tiếp với mọi người, anh không thể biết cái gì đã khiến họ lảng tránh anh, lời anh nói hay con người anh. Anh đã tìm hiểu rất kĩ về Warren Buffett, người mà bằng cách nào đó vừa thành công vừa được mọi người mến mộ. Buffett cũng gặp khó khăn khi giao tiếp với mọi người khi còn trẻ. Ông đã tham dự một khóa học của Dale Carnegie để hiểu thêm về cách tương tác hiệu quả với mọi người xung quanh. Mike Burry trưởng thành trong một nền văn hóa tiền tệ hoàn toàn khác biệt. Internet đã thay thế Dale Carnegie. Anh không cần phải gặp gỡ mọi người. Anh có thể nói về bản thân qua mạng và chờ các nhà đầu tư tìm đến mình. Anh có thể viết ra những suy nghĩ phức tạp của bản thân và chờ mọi người đọc chúng rồi gửi tiền của họ đến nhờ anh quản lý. “Buffett quá đỗi nổi tiếng đối với tôi,” Burry nói. “Tôi sẽ không thể nào trở thành người tốt.” Phương pháp gọi vốn này phù hợp với Mike Burry. Hơn thế nữa, nó rất hiệu quả. Anh bắt đầu xây dựng Quỹ Scion với hơn 1 triệu đô-la – số tiền đầu tư từ mẹ, các anh em và 1 triệu đô-la sau thuế của riêng anh. Trong cả năm đầu tiên, năm 2001, S&P 500 giảm 11,88%. Scion tăng 55%. Trong năm tiếp theo, S&P 500 lại giảm 22,1%, tuy nhiên, Scion lại tăng 16%. Năm tiếp theo, năm 2003, thị trường chứng khoán cuối cùng cũng lội ngược dòng và tăng 28,69%, nhưng Mike Burry đã đánh bại nó một lần nữa – các khoản đầu tư của anh tăng 50%. Đến cuối năm 2004, Mike Burry quản lý 600 triệu đô-la và đang bỏ bớt tiền đi. “Nếu anh ta điều hành quỹ của mình chỉ để tối đa hóa số tiền anh ta đang quản lý thì anh ta có thể đã đang quản lý nhiều tỷ đô-la,” một nhà quản lý quỹ phòng hộ New York, người quan sát hoạt động của Burry với sự ngờ vực ngày càng tăng, đã nhận xét. “Anh ta đã thiết kế ra Scion sao cho nó kinh doanh thì tồi nhưng đầu tư thì tốt.” “Dù huy động vốn có thể là một cuộc thi về mức độ được hâm mộ,” Burry viết cho các nhà đầutư, có lẽ là để trấn an họ rằng họ có yêu mến nhà quản lý tài chính của họ, hoặc thậm chí có biết anh hay không đều không quan trọng, “nhưng đầu tư thông minh thì hoàn toàn ngược lại.” Warren Buffett có một đối tác khá hóm hỉnh sâu cay, Charlie Munger, người rõ ràng không màng đến việc mọi người có yêu quý mình hay không nhiều như Buffett. Trở lại năm 1995, Munger đã có một buổi nói chuyện tại Trường Kinh doanh Harvard mang tên “Tâm lý học về những đánh giá sai lầm của con người.” Munger nói, nếu bạn muốn dự đoán cách cư xử của mọi người, hãy quan sát những động cơ của họ. FedEx không thể khiến các ca làm việc ban đêm kết thúc đúng giờ; họ thử mọi cách để tăng tốc nhưng không hiệu quả – cho đến khi họ thôi không trả lương công nhân làm việc ca đêm theo giờ và trả lương theo ca. Xerox đã chế tạo ra một chiếc máy mới và tốt hơn chỉ để thấy rằng nó bán kém hơn những chiếc máy cũ – cho đến khi họ nhận ra đội ngũ kinh doanh nhận được mức hoa hồng lớn hơn khi bán được một chiếc máy cũ. “Anh có thể nói, ‘Tất cả mọi người đều biết điều đó,’” Munger cho hay. “Tôi nghĩ mình thuộc nhóm 5% những người ở tầm tuổi tôi đã dành trọn cuộc đời để tìm hiểu sức mạnh của những động cơ và tôi đã đánh giá quá thấp về chúng trong suốt cuộc đời mình. Không năm nào qua đi mà tôi không nhận được một vài sự ngạc nhiên giúp đẩy giới hạn của tôi xa thêm chút nữa.” Những chia sẻ của Munger có nhiều điểm tương đồng với niềm tin của Mike Burry về các thị trường và những người liên quan trong đó. Burry nói, “Tôi đọc bài phát biểu đó và nói, tôi đồng ý hoàn toàn với những gì được viết trong đó.” Burry có một góc nhìn riêng về chủ đề này, được tích lũy từ quãng thời gian anh dành cho y khoa. Ngay cả trong những tình huống sống còn, các bác sĩ, y tá và bệnh nhân đều bị ảnh hưởng bởi những động cơ mang tính tiêu cực. Ví dụ, ở trong các bệnh viện nơi tỉ lệ bồi hoàn cho thủ thuật cắt bỏ ruột thừa cao hơn, thì các bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ nhiều ruột thừa hơn. Vì vậy, khi Mike Burry kinh doanh, anh phải đảm bảo rằng mình có những động cơ hợp lý. Anh không chấp nhận thỏa thuận của những nhà quản lý quỹ phòng hộ điển hình. Hầu hết họ được nhận 2% giá trị tài sản nên việc duy nhất họ cần làm là chất đống tiền của những người khác. Quỹ Scion chỉ tính các chi phí thực cho các nhà đầu tư – luôn ở mức thấp hơn 1% giá trị tài sản. Để thu lãi cho mình, anh phải khiến tiền của các nhà đầu tư sinh lời. “Hãy nghĩ về sự hình thành của Scion,” một trong những nhà đầu tư đầu tiên của anh nói. “Gã đó không có tiền và anh ta chọn cách từ chối một khoản phí mà bất cứ quỹ phòng hộ nào khác coi là đương nhiên. Đây là một điều chưa từng được nghe nói đến.” Ngay từ đầu, Quỹ Scion đã thành công đến mức khó tin. Vào giữa năm 2005, suốt giai đoạn màchỉ số thị trường chứng khoán nhìn chung giảm xuống 6,84% thì quỹ của Burry tăng trưởng 242% và bắt đầu từ chối các nhà đầu tư. Với lượng khách hàng càng ngày tăng, nó dường như không quan tâm đến việc thị trường cổ phiếu tăng hay giảm; Mike Burry luôn tìm được điểm đầu tư tiền một cách khôn ngoan. Anh không dùng đòn bẩy và tránh bán khống cổ phiếu. Anh không làm gì có tiềm năng ngoài việc mua các cổ phiếu phổ thông và không làm gì phức tạp hơn việc ngồi trong phòng và đọc các bản báo cáo tài chính. Với mức phí 100 đô-la/năm, anh trở thành người đăng ký sử dụng của 10-K Wizard. Bộ máy ra quyết định của Quỹ Scion gồm một chàng trai ở trong phòng, luôn đóng cửa, ngồi trong yên lặng, miệt mài nghiên cứu các thông tin có sẵn công khai và các dữ liệu trên 10-K Wizard. Anh đi tìm các phán quyết của toàn án, hoàn tất thỏa thuận hoặc những thay đổi trong quy định của chính phủ – bất cứ điều gì có thể làm thay đổi giá trị của một công ty. Thường thì anh tìm ra những thứ mà anh gọi là các vụ đầu tư “khiếp.” Vào tháng 10 năm 2001, anh giải thích khái niệm này trong bức thư gửi cho các nhà đầu tư: “Đầu tư khiếp tức là quan tâm đặc biệt về mặt phân tích đến các cổ phiếu mà mang lại phản ứng đầu tiên là ‘khiếp!’” Avant! Corporation là một ví dụ hấp dẫn. Anh tìm thấy nó khi tìm kiếm từ khóa “được chấp nhận” trong các mẩu tin tức. Anh biết rằng, là người đứng bên lề sân chơi, anh cần phải tìm những cách không chính thống để kéo nghiêng nó theo lợi thế của mình, và điều đó luôn có nghĩa là tìm kiếm các tình huống bất thường mà cả thế giới không chú ý đến. “Tôi không tìm các tin tức về lừa đảo hay gian lận,” anh nói. “Đó là nhìn về phía sau, còn tôi đang muốn đi trước. Tôi đang tìm thứ gì đó xảy ra trong các toà án mà có thể dẫn đến một ý tưởng đầu tư. Một lập luận được chấp nhận, một lời bào chữa được chấp nhận, một phương án giải quyết được chấp nhận bởi tòa án.” Một tòa án đã chấp nhận lời bào chữa từ một công ty phần mềm có tên là Avant! Corporation. Avant! bị buộc tội đánh cắp mã phần mềm được coi là nền tảng kinh doanh của Avant! từ công ty đối thủ. Công ty này có 100 triệu đô-la tiền mặt trong ngân hàng, hàng năm vẫn đang tạo ra khoảng 100 triệu đô-la dòng tiền mặt tự do – và có giá trị thị trường chỉ 250 triệu đô-la! Michael Burry bắt đầu tìm hiểu sâu hơn; đến khi hoàn thành, anh biết nhiều hơn về Avant! Corporation hơn bất cứ ai. Anh có thể nhận thấy rằng ngay cả khi các giám đốc điều hành phải đi và phải đóng tiền phạt, thì Avant! vẫn có giá trị cao hơn mức mà thị trường lúc đó ước tính. Hầu hết các kĩ sư của công ty đều ghi quốc tịch Trung Quốc trên thị thực làm việc, và do đó bị mắc kẹt – không có rủi ro liên quan đến việc bất cứ ai có thể bỏ việc trước khi sự thật được tìm ra. Tuy nhiên, để kiếm tiền trên cổ phiếu của Avant!, anh có thể phải chịu tổn thất trong ngắn hạn, bởi các nhà đầu tư đang bán tháo cổ phiếu khi hoảng hốt phát hiện ra những điểm tiêu cực được công khai.