Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục trong nửa sau của năm 2020, khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung "giảm nhiệt" và chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương phát huy tác dụng.
Trên đây là nhận định của ông Adrian Zuercher, người đứng đầu mảng phân bổ tài sản khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc công ty quản lý tài sản UBS Global Wealth Management, đưa ra trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC ngày 5/12.
"Hiện đang có nhiều bấp bênh xung quanh vấn đề thương mại, ảnh hưởng đến dự báo của chúng tôi về tăng trưởng kinh tế", ông Zuercher nói, và cho biết thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc áp lên hàng hóa của nhau là "một trong những rủi ro chính" mà UBS nhận thấy đối với tăng trưởng toàn cầu.
Dưới sức ép của thương chiến, kinh tế thế giới tăng trưởng yếu trong 2019, nhưng ông Zuercher nói rằng UBS nhận thấy "một sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa sau của 2020, đặc biệt là trong quý 4".
Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn đang đàm phán nhằm đạt thỏa thuận thương mại giia đoạn 1, nhưng khả năng đạt thỏa thuận này trong 2019 vẫn khá bấp bênh. Giới chức Trung Quốc cũng từng nói họ không kỳ vọng bước vào đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2 với Mỹ trước bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, một phần vì họ muốn chờ xem liệu ông Trump có đắc cử nhiệm kỳ thứ hai hay không.
Thậm chí, vào hôm thứ Ba tuần này, ông Trump còn nói ông sẵn sàng chờ đến sau bầu cử 2020 mới chốt thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc.
"Chúng tôi thấy kinh tế Mỹ đang thực sự giảm tốc, và chúng tôi nhận thấy khả năng sẽ có một thỏa thuận giai đoạn 1. Kế hoạch áp thuế của Mỹ lên hàng Trung Quốc vào giữa tháng 12 có thể được hoãn hoặc thậm chí xóa. Đó sẽ là một việc tốt để nền kinh tế Mỹ hồi phục dần", ông Zuercher dự báo.
Theo kế hoạch, chính quyền ông Trump sẽ áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12. Nếu hai bên đạt thỏa thuận giai đoạn 1 trước thời điểm đó, hoặc đàm phán có tiến triển, thì Washington có thể dừng tay. Nếu không, thuế quan này sẽ được thực thi.
Kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra vào đầu năm 2018, nền kinh tế châu Á đã theo chiều hướng đi xuống, theo ông Zuercher. Tuy nhiên, nhà quản lý tài sản này cũng cho rằng thương chiến không phải là nhân tố duy nhất gây suy giảm tăng trưởng toàn cầu.
Sự giảm tốc này còn do việc các ngân hàng trung ương trong 2018 "bắt đầu xóa bỏ một số biện pháp kích thích tăng trưởng" đã triển khai từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, ông Zuercher nhấn mạnh.
Đối mặt với tình trạng tăng trưởng giảm tốc, các ngân hàng trung ương đã quay trở lại "in tiền, mua tài sản, và hạ lãi suất", và tất cả các biện pháp này sẽ phát huy tác dụng đối với nền kinh tế, ông Zuercher nói.
Thăng Điệp
(vneconomy.vn)
0 nhận xét