Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Phạm Đình Trọng
4-4-2020
Tiếp theo phần 1Bầy sâu lúc nhúc
Gần mười năm trước, tôi và nhà báo Lê Phú Khải dự đám cưới con gái ông bạn của chúng tôi là nhà thơ Thái Thăng Long. Ngồi cạnh Lê Phú Khải là người đàn ông đạo mạo, ăn mặc trau chuốt, thắt cà vạt đỏ. Ông đạo mạo tự giới thiệu làm việc ở Ủy ban Kiểm tra Thành ủy. Khi đó Lê Thanh Hải đang là bí thư thành ủy Sài Gòn.
Ông nhà báo Lê Phú Khải vốn tính thẳng như đường cao tốc, liền bảo: Dân Thủ Thiêm đang hàng ngày réo tên, kể tội bí thư thành ủy của anh đấy. Anh phải kiểm tra ngay bí thư thành ủy của anh đi. Làm kiểm tra lúc này không kiểm tra bí thư thành ủy Lê Thanh Hải thì kiểm tra cái gì!
Phần 2: CON SÂU BỰ NHẤT LÊ THANH HẢI
Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy thành Hồ. Ảnh: Zing
Trong đám lúc nhúc những ông quan cộng sản tội phạm thì bạo chúa Lê Thanh Hải, ủy viên bộ Chính trị dù chỉ là lãnh chúa một vùng lãnh thổ nhưng tội tham nhũng của Hải có thể sánh ngang ngửa với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hơn hẳn ông Bộ trưởng Đinh La Thăng. Còn tội ác với dân thì ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông sứ quân miền Trung Nguyễn Bá Thanh, ông tướng cảnh sát Trần Đại Quang không thấm tháp gì so với tội ác ngút trời của lãnh chúa phương Nam Lê Thanh Hải.
Để xây dựng quyền lực bạo chúa, Lê Thanh Hải đẩy đi hết những người tử tế dưới quyền. Đẩy đi người có thực học, có tri thức vững vàng, là dòng dõi con nhà nòi khoa bảng, đã theo học và làm luận văn khoa học ở những trường đại học danh tiếng trên thế giới, phó thị trưởng Sài Gòn, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân. Đẩy đi người có bề dày hoạt động cách mạng, có chính kiến riêng thể hiện cá tính mạnh như phó thị trưởng Sài Gòn Mai Quốc Bình. Đẩy đi người có nhân cách trung thực như phó bí thư thành ủy Sài Gòn Huỳnh Thị Nhân.
Xuất thân từ tổ chức Thiên Lôi, Thanh niên Xung phong, chỉ đâu đánh đấy, hoàn toàn không làm việc bằng tri thức, cũng chẳng có công trạng gì, Lê Thanh Hải tập hợp quanh mình những thân phận đồng dạng với Hải, những thân phận xuất thân từ đám Thiên Lôi thành đoàn. Lê Thanh Hải chỉ dùng loại Thiên Lôi, không bề dày đóng góp, không công trạng như Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang, Nguyễn Hữu Tín …
Khởi đầu con đường hoạn lộ từ quận Năm, nơi quần tụ người Hoa, nơi tiềm ẩn sức mạnh kinh tế ngầm của người Hoa, cũng tiềm ẩn thế lực chính trị ngầm từ phương Bắc, từ Trung Nam Hải, Bắc Kinh. Có phải sức mạnh kinh tế ngầm và thế lực chính trị ngầm đó đã đưa Lê Thanh Hải, người Việt gốc Hoa thần tốc lên lãnh chúa vùng đất giàu có nhất nước, tót vào nhóm quyền lực chóp bu ngồi trên ngai vua tập thể, nhóm Bộ Chính trị.
Cả đám đàn em đông đúc trong đảng bộ mà Hải là bí thư: Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Hữu Tín, Tất Thành Cang, Vũ Hùng Việt, Nguyễn Thị Hồng, Lê Văn Khoa, Đào Thị Hương Lan … Lê Thanh Hải đã có trong tay cả một đảng bộ quyền lực, cũng là một đảng bộ tội phạm.
Cả nhà trong bộ máy quyền lực, Trương Thị Hiền, Lê Tấn Hùng, Lê Trương Hải Hiếu, Lê Trương Hiền Hòa, Lê Thanh Hải đã tạo ra cả một phủ chúa quyền lực và cũng là phủ chúa tội phạm.
Với quyền lực ủy viên Bộ Chính trị, với quyền uy một đảng bộ, với sức mạnh kinh tế ngầm người Hoa, với thế lực chính trị ngầm phương Bắc, bè lũ Lê Thanh Hải mới dám cả gan ném bỏ quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt qui hoạch xây dựng Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm, KĐTMTT, có chữ kí của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thay bằng quyết định 6565 với chữ kí của một Thiên Lôi khi đó chỉ là phó thị trưởng Sài Gòn, Nguyễn Văn Đua.
Với quyền lực ủy viên Bộ Chính trị, với quyền uy một đảng bộ, với sức mạnh kinh tế ngầm người Hoa, với thế lực chính trị ngầm phương Bắc, những hung thần Thiên Lôi dưới vòm trời Lê Thanh Hải mới có thể mặc sức gây tội ác suốt thời gian dài gần hai mươi năm, chà đạp lên cuộc sống mười bốn ngàn sáu trăm gia đình, chà đạp lên cuộc đời sáu mươi ngàn người dân, tước đoạt mạng sống nhiều người dân lương thiện Thủ Thiêm.
Bảo đảm cho người dân bị xáo trộn do qui hoạch phải có cuộc sống tốt hơn trước khi qui hoạch chứ không thể tồi tệ vì qui hoạch, Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ đã dành 160 ha đất sát 770 ha KĐTMTT làm khu tái định cư, để sáu mươi ngàn hộ dân phải giao đất rời nhà xây dựng KĐTMTT cũng được thụ hưởng ánh sáng đô thị hiện đại, cũng được thụ hưởng cơ sở vật chất của khu đô thị hiện đại nhất Đông Nam Á.
Nhưng ngửi thấy mùi vàng ròng của khối vàng lớn ở sự chênh lệch giữa giá đất bèo lau lách hoang vu và giá đất vàng đô thị hiện đại, ngửi thấy mùi vàng ròng của khối vàng khổng lồ ở 160 ha đất mênh mông tái định cư liền kề KĐTMTT, Lê Thanh Hải đã làm cho cuộc sống người dân Thủ Thiêm không những tồi tệ mà còn đau thương, chết chóc, đói khổ, bệnh tật, cùng quẫn, hết đường sống.
Khi có quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ qui hoạch KĐTMTT năm 1996, Lê Thanh Hải mới là phó của Thị trưởng Sài Gòn Võ Viết Thanh. Lá cờ quyền lực còn trong tay con người tử tế Võ Viết Thanh. Nhưng trước đây vì tử tế, không ngậm máu phun người trong vụ án ngụy tạo Sáu Sứ, Võ Viết Thanh phải bật khỏi triều đình. Nay vì tử tế, Võ Viết Thanh phải về hưu trước tuổi ba năm.trời để trao lá cờ quyền lực cho Lê Thanh Hải, năm 2001. Phải mất thêm vài năm nữa Hải mới tập hợp được quanh mình đủ mặt đám Thiên Lôi sấm sét.
Có trong tay đầy đủ quyền lực chính trị và sức mạnh bạo lực, Lê Thanh Hải liền cho em trai là Lê Tấn Hùng, cầm đầu lực lượng Thanh niên Xung phòng Sài Gòn mặc sức cướp đất ở Bình Thạnh. Dưới bóng quyền lực chính trị và sức mạnh bạo lực Lê Thanh Hải, đại gia người Hoa Trương Mỹ Lan mặc sức thâu tóm những khu đất vàng khắp Sài Gòn. Bà Trương Mỹ Lan khá kín tiếng nhưng sức mạnh công ty Vạn Thịnh Phát của bà Lan đã sai khiến được cả cục trưởng cục Hàng hải Dương Chí Dũng ngoài Hà Nội. Thời Lê Thanh Hải, Vạn Thịnh Phát thâu tóm đất đai Sài Gòn và các tỉnh lân cận cũng rầm rộ và mạnh mẽ như những ông chủ người Hoa Mã Hỉ, Tạ Vinh thâu tóm lúa gạo miền Nam trước 1975.
Có trong tay một đảng bộ quyền uy và một đám Thiên Lôi sấm sét, Lê Thanh Hải liền cho ra đời quyết định 6565 chỉ có hai điều.
Điều 1 phá nát qui hoạch 367 đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt, đưa cả đất dân cư ngoài qui hoạch theo quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ vào qui hoạch của quyết định 6565 để cướp thêm đất của dân và xé 160 ha đất tái định cư ra thành sáu mảnh, ném sáu mảnh đất tái định cư đến những chỗ khuất nẻo bùn lầy nước đọng, muỗi mòng, rắn rết. Có mảnh 50 ha bị ném ra tận kênh rạch sình lầy Cát Lái, giáp đất hoang hóa dừa nước tỉnh Đồng Nai, cách KĐTMTT đến gần 20 km. Còn 160 ha đất tái định cư theo quyết định 367 đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt thì được quyết định 6565 giao cho các nhà dầu tư để biến thành trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ kinh doanh của 51 dự án.
Điều 2 quyết định 6565 láo xược ghi “Quyết định này thay thế Quyết định số 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ”. Lạm quyền và phi pháp, quyết định 6565 cấp thành phố đã vô hiệu quyết định 367 cấp Thủ tướng Chính phủ.
Xóa bỏ qui hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, vẽ lại qui hoạch KĐTMTT, quyết định lạm quyền, phi pháp 6565 ra đời vào ngày sắp kết thức năm 2005 mở ra một trời đau thương, một biển uất hận cho người dân Thủ Thiêm. Từ đó, năm này qua năm khác, đám Thiên Lôi như những hung thần đưa xe san ủi, xe cẩu đến phá nhà dân, đưa xe tải đến hốt tài sản của dân đưa đi đâu không ai biết, đưa lực lượng đặc nhiệm như bầy thú dữ đến đánh dân, bắt dân, đẩy người dân vào cuộc sống màn trời chiếu đất suốt hơn chục năm trời.
Những cuộc cướp đất dân Thủ Thiêm dồn dập, quyết liệt, khủng khiếp và man rợ nhất diễn ra từ năm 2009 khi Thiên Lôi Tất Thành Cang được Lê Thanh Hải cho ngồi trên hai ghế quyền lực cao nhất ở mảnh đất Thủ Thiêm, vừa là Bí thư, vừa là Chủ tịch quận 2. Trước đó, từ năm 2007, Hải đã ban lệnh cho lũ Thiên Lôi phải dùng bàn tay sắt cướp đất.
Người dân giữ nhà, giữ đất, không cho bọn cướp xông và nhà liền bị lũ sai nha đánh gãy tay, què chân, giập mặt, máu đổ lênh láng rồi bị ném lên ô tô chở về nhà giam. Ngày 14.12.2010 lũ sai nha của Tất Thành Cang, Lê Thanh Hải dùng vũ lực đánh bà Trần Thị Chuốt, 73 tuổi ngã sấp mặt xuống đất rồi chúng nắm hai chân hai tay bà Chuốt quăng lên ô tô. Bà Chuốt bị đập vào thành xe, rơi xuống sàn ô tô, gãy một mảng xương sườn, giập gan, chết khi được đưa đi cấp cứu. Lũ sai nha và lũ đầu sỏ cướp đất thản nhiên giết dân như vậy nhưng dưới bóng quyền uy của Hải, pháp luật vẫn câm miệng hến!
Vợ chồng anh chị Trương Việt Hiếu và Nguyễn Kim Phượng cùng hai con ở căn nhà do cơ quan của anh chị cấp rồi bán hóa giá trên đường Lương Định Của nằm ngoài ranh quy hoạch. Sáng ngày 31.7.2012 ngôi nhà của anh Hiếu chị Phương cũng bị lũ sai nha của Tất Thành Cang, Lê Thanh Hải đến đập nát. Xác nhà và tài sản trong nhà bị lũ sai nha chất lên ô tô chở đi mất tích. Gia đình tứ tán. Anh Hiếu phải ở cơ quan, ngủ trên bàn làm việc. Hai đứa con, đứa ở nhà cậu, đứa ở nhà bà ngoại. Chị Phượng nhặt cây que dựng chiếc chòi ni lông trên nền nhà cũ ở lại giữ đất. Nhưng nỗi đau không chỉ có vậy. Đau buồn, anh Hiếu đổ bệnh hiểm, không tiền mua thuốc hiếm giá cao, không nơi nằm yên thân trị bệnh, anh Hiếu chết trong bơ vơ không nhà cửa. Cả đám tang anh Hiếu cũng phải nhờ nhà bà con.
Ông tướng đặc công về hưu Hồng Minh Hải giữ đất bằng khẩu súng ngắn ông được giữ bên mình suốt đời. Như thời giặc giã, người dân phải cầm súng giữ nước, giữ nhà, ông tướng đặc công cầm khẩu súng ngắn bảo lũ cướp đất: Tụi bây cứ tới cưỡng chế đi. Đứa nào bước vô nhà tao, tao bắn!
Hàng ngày nhìn người dân chung quanh bị lũ sai nha của Tất Thành Cang, Lê Thanh Hải cướp đất đánh tóe máu, ngất xỉu, nhà bị đập nát, san bằng, Máu nghĩa hiệp thôi thúc, ông tướng đặc công muốn ra tay. Nhưng ông kịp nghĩ lại đám nầy chỉ là tay sai, chẳng được xơ múi gì. Kẻ thực sự ăn đất Thủ Thiêm chỉ vài tên đầu sỏ. Ông lặng lẽ mang kĩ năng của cả cuộc đời lính đặc công đi điều nghiên kĩ càng cửa trước, cửa sau, phòng ăn, phòng ngủ nhà ở từng tên đầu sỏ cướp đất. Ông điều nghiên cả đường đi lối về, phòng làm việc có lính canh, có người hầu của chúng. Ông cũng viết sẵn cho mỗi tên một bản án. Nếu lũ đầu sỏ quyết dùng sức mạnh Thiên Lôi cướp đất của ông, ông sẽ cho chúng biết ý chí giữ đất sống của người lính cả đời đánh giặc giữ nước.
Người dân không có súng, chỉ còn biết mang mạng sống của mình ra giữ đất. Anh Trần Văn Phúc là thiếu tá công an quận 2. Ngôi nhà của vợ chồng anh Phúc ở đường Lương Định Của bị cưỡng chế. Vợ anh đội đơn đi khiếu kiện và có mặt trong đoàn dân Thủ Thiêm biểu tình đòi đất. Anh Phúc không thực hiện được đòi hỏi của chỉ huy là cán bộ, đảng viên không được để vợ chống cưỡng chế. Bị giáng cấp và thường xuyên bị kiểm điểm, khiển trách, anh Phúc phải bỏ công an, bỏ đảng viên, về làm dân thường để được kêu oan mất đất sống. Nhưng đơn kêu cứu bị cướp đất gửi lên triều đình thì triều đình lại lạnh lùng chuyển đơn về cho lũ cướp đất giải quyết. Tuyệt vọng, đêm 24.4.2015, anh Phúc treo cổ tự tử trong ngôi nhà sắp bị lũ cướp Lê Thanh Hải đập nát.
Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi vạch tội giặc Minh với dân ta: Trúc Lam Sơn không ghi hết tội / Nước Đông Hải không rửa hết mùi. Tội của Lê Thanh Hải cướp đất Sài Gòn, tội của Lê Thanh Hải với dân Thủ Thiêm còn đểu cáng, man rợ hơn mọi loại giặc. Đất phèn Bến Nghé Cần Giờ cửa sông Sài Gòn không có trúc chỉ có bạt ngàn rừng đước. Đước Cần Giờ không ghi hết tội, nước sông Sài Gòn không rửa hết mùi tội ác Lê Thanh Hải.
Tagged
Different Themes
ĐỌC BÁO HAY - BÌNH LUẬN NGAY CHO NÓNG

Cùng nhau thảo luận về điều mà bạn quan tâm nào

0 nhận xét